Làm sao để giúp trẻ đối mặt với khó khăn

11:08 11/02/2014

(Giúp bạn)Với con trẻ, những khó khăn đôi khi là một “bức tường” ngăn cách khó vượt qua. Khi đó, nhiệm vụ của những bậc làm cha, làm mẹ là phải biết cách động viên, tìm ra biện pháp giúp con mình vượt qua trở ngại.

  • 1

    Ban đầu, phụ huynh hãy tạo cho con niềm tin vào tương lai với một tinh thần lạc quan. Tinh thần lạc quan là yếu tố rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, giúp cho con người có niềm tin đi đến thành công một cách vững chắc.

  • 2

    Hãy tập cho con trẻ một tinh thần lạc quan cho dù ngày mai có chuyện gì đi chăng nữa. Than vãn, u buồn không giúp được gì mà nó còn làm cho con người ta khó khăn hơn.

  • 3

    Nếu một người luôn than thở là họ đã tự làm cho cuộc sống của họ thêm nặng nề và chính họ tự tạo thêm gánh nặng cho mình, từ đó sẽ dẫn đến những mặc cảm tự ti, xem như mình là nạn nhân của sự việc. Do vậy, tinh thần lạc quan, niềm hy vọng là cần thiết, nhưng cũng đừng nên hy vọng thái quá sẽ dẫn đến sự thất vọng nhiều hơn.

  • 4

    Cần dạy cho con trẻ, mỗi người trong cuộc đời không ai là hoàn hảo, ai rồi cũng gặp một vài khó khăn, chúng ta cần phải thích ứng với hoàn cảnh. Khó khăn chỉ là tạm thời và chắc chắn nó sẽ qua đi. Muốn vượt qua nó không có cách nào khác là phải bình tĩnh đối mặt với một tinh thần lạc quan.

  • 5

    Hãy tạo cho con một tư tưởng, khi gặp khó khăn cũng giống như vấp phải một viên đá trên đường, viên đá đó sẽ không đồng hành với con đến cuối con đường. Vì vậy hãy gạt bỏ nó qua một bên, không cần quan tâm nhiều và hãy luôn tự nhủ “ngày mai trời sẽ sáng”.

  • 6

    Thay vì chú ý đến hậu quả của sự thất bại, hãy khơi lại cho con nhớ những quãng thời gian tốt đẹp và ý nghĩa nhất mà chúng có. Không nên nghĩ về những thất bại đã qua và những khó khăn sắp tới, cần nghĩ đến hiện tại và một mục tiêu mới tốt đẹp để hướng đến. Hãy dạy trẻ không nên để ý những chuyện nhỏ mà để dành cho những suy nghĩ lớn hơn, có ích hơn

  • 7

    Giúp trẻ hướng đến tương lai, nơi mà bản thân con trẻ có hy vọng đoạt lấy cơ hội. Hãy tận dụng khả năng sáng tạo của trẻ khi làm việc, cho dù đó là chuyện rất nhỏ như nấu cơm, quét nhà,… Nếu con trẻ cảm thấy buồn bã và chán nản, hãy cho chúng một niềm tin, đừng nên buông xuôi và sợ hãi khi thay đổi sự việc. Làm bất cứ điều gì để con trẻ lấy lại được sự nhiệt tình năng động, phát huy được năng lực của trẻ.

  • 8

    Sử dụng những mẩu chuyện cười sẽ làm cho sự việc trở nên nhẹ nhõm hơn nhất là khi trong gia đình ai nấy đều tạo được nụ cười. Những mẩu đối thoại tiếu lâm sẽ làm trôi đi sự nặng nề đang đè nặng trên những người đang gặp khó khăn.

  • 9

    Hòa đồng, trò chuyện một cách nhẹ nhàng thân mật sẽ giúp cho con trẻ đang gặp khó khăn không còn cảm giác cô độc hay bị cô lập. Việc trò chuyện không chỉ giảm bớt sự nặng nề ở trẻ mà còn là cơ hội tốt để tìm kiếm thông tin có ích có thể cải thiện tình thế.

  • 10

    Khi gặp khó khăn, con trẻ cũng như người lớn, nếu được động viên chia sẻ kịp thời, dần dần trẻ sẽ thoát khỏi những tình huống, vượt qua “bức tường” khó khăn, đứng dậy hướng đến mục tiêu mới.

Comments