Làm sao để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ?

11:03 11/02/2014

(Giúp bạn)Mỗi trẻ thơ là một thế giới và không có một quy chuẩn tuyệt đối nào cho sự phát triển của bé, chỉ có tình yêu thương thực sự của cha mẹ mới giúp bé phát triển tốt nhất

  • 1

    Hãy làm bạn của con

    Ngày nay, hầu hết các bậc cha mẹ đều thấm thía triết lý này nhưng không phải ai cũng làm được mà vin vào lý do chúng ta bận quá nhiều việc. Bạn sẽ vô cùng hối hận khi một ngày kia nhìn lại, con chúng ta sống thu mình, sống dựa dẫm, thiếu hoà nhập và chia sẻ…

    Chính điều này mà chúng tôi khuyến khích các học viên của mình cũng như các bạn hãy hoạch định cho mình một thời gian biểu hợp lý; hãy ưu tiên dành cho con ít nhất 1tiếng/ngày cùng chơi với bé, lắng nghe tâm sự của bé, cố gắng hiểu và suy nghĩ theo cách nghĩ của bé.

    Khi chơi với bé, chúng tôi nhấn mạnh đến “chất lượng của việc chơi” tức là cả bạn và bé đều phải thực sự tham gia vào trò chơi, là một phần của trò chơi và cảm thấy thực sự vui vẻ và thu vị sau khi dừng cuộc chơi.

    Chỉ khi đó bạn mới thực sự hiểu được con, chia sẻ và giúp bé phát triển theo hướng phù hợp.

  • 2

    Nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực ở bé

    Hãy nuôi dưỡng trong bé những suy nghĩ hướng thiện và tích cực thay vì để bé dần bị tiêm nhiễm bởi các suy nghĩ tiêu cực. Với những suy nghĩ tích cực bé sẽ nhìn nhận cuộc sống một cách lạc quan, vui vẻ, luôn luôn cố gắng và thiết lập một nếp sinh hoạt lành mạnh và văn minh.

    Thay vì mắng chúng làm bẩn hết bức tường nhà thì bạn có thể khen công trình công phu mà bé đã vẽ rất chú tâm trên tường.

  • 3

    Khuyến khích tính độc lập ở bé

    Thay vì bạn giúp bé làm mọi việc, hãy để bé tự xúc ăn, tự đi giày, tự chọn và mặc quần áo, rồi dần dần giao việc cho bé.  Các bé rất thích được bố mẹ giao việc và khuyến khích phát triển tính trách nhiệm ở bé.

    Con bạn sẽ sớm trưởng thành và có một nhân cách đẹp.

  • 4

    Dạy bé cách thể hiện tình yêu thương

    Bố mẹ nên chỉ dẫn bé cách thể hiện tình yêu đối với bố mẹ, với ông bà, người thân, và cả với các bạn cùng trang lứa.

    Khi bé giành đồ chơi của bé khác, bé đánh bạn, bố mẹ hãy chỉ cho bé biết việc bé gây ra khiến bạn bị đau, và bé cần xin lỗi, thể hiện tình yêu với bạn.

    Chỉ bằng những cử chỉ đơn giản, cả bé, cả bạn và những người xung quanh đều cảm thấy hài lòng. Việc những người thân đối xử với nhau, với bé và với hàng xóm như thế nào sẽ là tấm gương phản chiếu giúp bé học theo.

    Đừng bắt con phải ngoan, cư xử đúng mực, trung thực khi hằng ngày bạn chưa làm được những việc ấy.

  • 5

    Đặt các giới hạn cho bé

    Các bé, đặc biệt là bé ở độ tuổi 2-3, thường rất khó bảo và luôn luôn có xu thế phá vỡ các giới hạn đặt ra.

    Khi lần đầu tiên bạn đưa ra hạn chế, hãy giải thích tại sao con bạn lại phải tuân theo nó. Việc hiểu được nguyên nhân của qui tắc sẽ giúp con bạn phát triển chuẩn mực cư xử, hành động bên trong con người bé, tức là lương tâm.

    Thay bằng đưa ra những giải thích dài dòng mà trẻ sẽ quên ngay bạn hãy nói nguyên nhân một cách ngắn gọn, ví dụ như: “Không cắn người khác. Mọi người sẽ đau đấy”, “Khi con giằng đồ chơi của bạn khác,  bạn ấy cảm thấy buồn bởi vì vẫn còn muốn chơi với chúng.”

  • 6

    Cần tôn trọng sự phát triển của bé

    Đây là thông điệp chúng tôi đã đưa ra ở những bài nói chuyện trước, tuy nhiên chúng tôi vẫn muốn nhắc lại vì tính quan trọng của thông điệp này. Các bậc bố mẹ rất hay lồng ghép hoài bão, tham vọng và khao khát của mình vào sự phát triển, tính cách và định hướng tương lai của bé. Chính điều này vô hình chung tạo nên áp lực cho bé, làm cuộc sống của bé trở lên căng thẳng, đôi khi còn khiến bé phát triển theo hướng tiêu cực. Chính vì vậy, chúng tôi mong các bố mẹ hãy hiểu con mình, dõi theo sự phát triển của bé, tôn trọng sự phát triển đó để từ đó phát huy các tiềm năng của bé.

Comments