Lấy ráy tai cho trẻ: Nên hay không?
(Giúp bạn)Để bảo vệ thính giác cho trẻ, các bà mẹ không được tự ý lấy ráy tai, tránh những tai nạn đáng tiếc.
Có nên lấy ráy tai cho trẻ?
Trả lời trên VnExpress, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quảng Đại (Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện FV) cho biết, có khi nên lấy, cũng có khi không nên lấy. Điều này phụ thuộc vào tình trạng ráy tai có nhiều quá hay không. Bạn chỉ nên lấy ráy tai cho bé nếu thấy ráy tai nhiều.
Có thể kiểm tra ráy tai bằng cách nhìn vào ống tai. Ráy tai nhiều quá sẽ làm bít tắc ống tai ngoài, thậm chí nhiều trường hợp biểu bì da bong tróc mỗi ngày, bong ra mà không thoát ra được do ráy tai bít tắc gây viêm, thậm chí hủy xương và gây viêm ống tai. Những trường hợp này cần phải lấy ráy tai, nhất là những khối ráy tai quá cứng gây bít tắc khiến giảm thính lực dẫn truyền.
Những trường hợp không cần thiết lấy ráy tai khi ráy chỉ đóng váng hơi dính vành ống tai. Ráy tai có kháng thể và là chất bảo vệ ống tai ngoài nên lấy ráy tai nhiều quá cũng là không tốt. Thí dụ như những người làm nghề bơi lội nhiều, ống tai quá sạch thì lại dễ bị viêm tai hơn người bình thường.
Với trẻ, khi lấy ráy tai cần lưu ý vì trẻ loay hoay rất dễ bị tổn thương tai. Trong trường hợp ráy tai quá cứng, phụ huynh có thể thấm tăm bông với nước muối sinh lý để làm sạch ống tai ngoài cho bé. Không nên cố lấy những mảnh ráy quá sâu vì có thể làm tổn thương ống tai. Cũng không nên để bé tự lấy ráy tai vì rất dễ làm tổn thương.
Cách lấy ráy tai cho trẻ
Theo Báo điện tử VnMedia, da ống tai có nhiều tuyến đặc biệt tiết ra chất tiết được gọi là ráy tai. Ráy tai thường có 3 dạng: Ráy tai ướt, ráy tai khô và ráy tai cứng.
Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ cho ống tai khỏi bị tổn thương và nhiễm trùng. Khi ráy tai được đẩy ra ngoài sẽ mang theo bụi bẩn và vi khuẩn. Nếu không có ráy tai, ống tai sẽ bị khô, ngứa và dễ bị nhiễm trùng.
Cách vệ sinh tai cho trẻ:
- Đối với những bé dưới 36 tháng tuổi: Hàng ngày dùng khăn mềm thấm một chút nước ấm lau nhẹ vành tai bên ngoài của bé.
- Đối với các bé từ 36 tháng tuổi trở lên đã bắt đầu hoạt động ở môi trường bên ngoài thì việc vệ sinh bên ngoài vành tai vẫn chưa đủ để lấy hết ráy tai của bé vì còn rất nhiều ráy tai còn lưu lại bên trong ống tai. Nếu không lấy ra thường xuyên sẽ gây khó chịu cho các bé.
Do đó cần vệ sinh bên ngoài vành tai kết hợp đưa các bé đến các phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa Tai -Mũi - Họng để các bác sĩ vệ sinh tai một cách an toàn khi bé bị đóng ráy tai quá nhiều.
- Mỗi tháng chỉ lấy ráy tai 2 lần.
Để bảo vệ thính giác cho trẻ, các bà mẹ không được tự ý lấy ráy tai, tránh những tai nạn đáng tiếc. Khi phát hiện trẻ bị nút ráy tai, cần đưa trẻ đến phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để xử lý.
Thuốc tham khảo: Natri clorid 0,9% Chỉ định: |
Thùy Linh
Theo GDVN