Nhiễm giun đường ruột ở trẻ em: Phòng ngừa và điều trị
(Giúp bạn)Trẻ bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vòng quanh rốn, nôn ra giun, đi cầu ra giun và hay bị rối loạn tiêu hóa.
Các loại nhiễm giun đường ruột thường gặp ở trẻ em
Giun đũa: Sức khỏe và Đời sống cho biết, giun cư trú ở ruột non, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài gây ô nhiễm nước, đất cát... khi ăn phải trứng giun, trứng vào ruột nở thành ấu trùng rồi di chuyển vào phổi lên khí quản, qua thực quản xuống ruột non trở thành giun trưởng thành.
Giun kim: cư trú ở ruột già, giun cái đẻ trứng vào ban đêm ở hậu môn. Trứng có ấu trùng vào ruột phát triển thành giun trưởng thành . Đường lây nhiễm từ hậu môn vào miệng qua bàn tay, quần áo, giường chiếu.
Giun tóc: cư trú ở ruột già. Đường lây nhiễm là sau khi ăn phải trứng có ấu trùng, trứng này theo thức ăn nước uống vào ruột, ấu trùng thoát vỏ rồi trở thành giun trưởng thành sống ở ruột già. Khi nhiễm nhiều giun tóc thì mới có biểu hiện rõ các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.
Giun móc: cư trú ở đoạn trên ruột non, miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu, trung bình một con giun móc có thể hút 0,2ml máu/ngày. Giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng. Ấu trùng vào máu lên phổi rồi xuống ruột non trở thành giun trưởng thành.
Điều trị nhiễm giun đường ruột
Người lớn và trẻ trên 2 tuổi: Theo Tuổi trẻ, uống Mebendazole 500mg (biệt dược Fugacar, Benda …) liều duy nhất 1 viên. Có thể dùng lại sau 2 tuần 1 liều như trên nếu nhiễm nhiều giun.
Trẻ 6 tháng – 2 tuổi: Uống Pyrantel pamoate 125mg (biệt dược Helmintox, Panatel – 125).
- Giun đũa, giun kim: uống 1 liều duy nhất 1 viên, 2 tuần sau uống 1 viên nữa nếu chưa hết giun.
- Giun móc: uống 1 viên/ngày trong 3 ngày liên tiếp.
Phòng ngừa nhiễm giun đường ruột ở trẻ em
- Giữ gìn vệ sinh môi trường: không đi tiêu bừa bãi ngoài đồng, vùng nông thôn nên có hố xí 2 ngăn, không nên dùng cầu tiêu trên ao, hồ, sông, rạch, không dùng phân tươi để tưới rau, bón cây.
- Giữ vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi tiêu, khi ăn rau sống nên ngâm rửa rau bằng dung dịch thuốc tím, rửa rau cho sạch dưới vòi nước đang chảy. Không đi chân đất, khi làm nông hay đi dã ngoại nên mang giầy cao ống.
Không cho trẻ chơi lê la trên nền đất, nên lau nhà thường xuyên sạch sẽ.
Định kỳ nên uống thuốc xổ lải mỗi 6 tháng một lần.
Tiến Khê
Theo GDVN