Thận trọng khi trẻ bị chốc lở ngoài da
(Giúp bạn)Chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ bé này sang trẻ khác
Theo ThS.BS.Nguyễn Thanh Hải - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đống 2 cho biết, "biểu hiện ban đầu của bệnh chốc lở là các sẩn hồng ban hoặc dát đỏ, sau đó có bóng nước to bằng hạt đậu trở lên chứa dịch màu vàng trong, khoảng 24 giờ sau chuyển thành dịch đục và hóa mủ.
Trong dịch chứa rất nhiều vi khuẩn. Bọng nước sẽ vỡ ra tự nhiên hay do cào gãi và đóng vảy tiết màu vàng, xung quanh vảy tiết thường có một viền vảy mỏng, hơi lõm ở trung tâm, giới hạn rõ.
Bé có thể bị sốt cao nếu tình trạng nhiễm trùng là quan trọng. Bệnh hay để lại các vết thâm trên bề mặt da sau khi lành bệnh. Nếu không được chữa trị hoặc điều trị không đúng bệnh có thể kéo dài vài tuần, đôi khi đến vài tháng.
Yếu tố thuận lợi làm dễ phát sinh là da bé bị ẩm, bị trầy sướt do gãi (hay gặp khi cơ địa dị ứng, chàm) hoặc do côn trùng đốt.
Chốc không có bọng nước (Ảnh: Vnexpress)
Cũng theo Thạc sĩ Phạm Thị Mai Hương, chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi trên Vnexpress cho biết, mỗi ngày phòng khám da liễu tiếp nhận hơn 100 trẻ đến khám, trong đó khoảng 10% là chốc (tỷ lệ này thay đổi theo mùa).
Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 90% là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trên thực tế phụ huynh rất hay nhầm lẫn giữa bệnh chốc và bệnh thủy đậu. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh chốc lở cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo, ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
Biểu hiện bệnh chốc lở
Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: Có bọng nước và không có bọng nước.
Chốc có bọng nước điển hình:
- Nguyên nhân: Thường do tụ cầu gây ra.
- Thương tổn cơ bản:
+ Khởi đầu là dát đỏ kích thước 0,5-1 cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó.
+ Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao.
+ Vài giờ hoặc vài ngày sau các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong.
+ Thương tổn khỏi không để lại sẹo.
- Vị trí thường gặp: Ở mặt, vùng da hở hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại.
- Biểu hiện toàn thân: Viêm hạch lân cận, sốt rất hiếm gặp trừ khi chốc lan tỏa hoặc có biến chứng.
- Bệnh nhân có thể ngứa, gãi làm thương tổn lan rộng chàm hóa, lan sang vùng da khác.
Chốc không có bọng nước điển hình:
- Nguyên nhân: Thường do liên cầu tan huyết nhóm A.
- Thương tổn ban đầu: Mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da. Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. Một số trường hợp có thể thấy các thương tổn vệ tinh ở xung quanh.
- Vị trí: Hay gặp ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi.
- Hình thái này thường gặp trên những trẻ bị viêm da cơ địa, ghẻ, hoặc một bệnh da nào đó kèm theo bội nhiễm, hầu như không gặp thương tổn ở niêm mạc.
- Bệnh thường khỏi sau 2-3 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài, nhất là khi cơ thể có nhiễm ký sinh trùng, bị chàm hay thời tiết nóng, ẩm ướt.
Xử trí trước khi đưa trẻ đến bệnh viện
- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn.
- Cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc màu như xanh methylen… Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra .
- Chốc lở dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa. Trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể bé và ngăn ngừa biến chứng. Động thái này cũng giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác.
Tiến Khê
Theo GDVN