Trẻ nghiện game – lỗi tại gia đình

12:45 11/02/2014

(Giúp bạn)Trẻ bỏ học, ham chơi, phải nhập viện cai nghiện; cha mẹ khóc cạn nước mắt, gia đình “tan đàn xẻ nghé”… cũng chỉ vì con trẻ nghiện game online. Tuy nhiên để cho con cái “nghiện game”, chìm đắm trong thế giới ảo của Internet, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các bậc cha mẹ.

  • 1
    Tại sao trẻ nghiện game?
     
    Chuyên gia khoa thần kinh và tâm lý ở Californina, BS Lê Phương Thúy đã chỉ ra nguyên nhân chính khiến trẻ nghiện game: Game cho trẻ cảm giác làm chủ bản thân, được hành động tùy thích, được nói năng tùy thích, không phải xin phép ai, thỏa mãn được tâm lý cộng đồng. Cảm giác làm chủ này tuy ảo nhưng lại có sức hấp dẫn vô cùng lớn.
     
    Nhưng BS Thúy nhấn mạnh rằng nguyên nhân sâu xa nhất khiến trẻ rời xa thế giới thực để đến với “thế giới ảo” chính là thiếu sự chăm sóc, chia sẻ tâm sự, phân tích đúng sai của cha mẹ, trẻ có cảm giác bơ vơ trong cuộc sống tinh thần và thiếu tự tin trong các lựa chọn của mình. Trẻ muốn trở thành game thủ để xả stress, để thỏa mãn cảm xúc và được chứng tỏ mình!

    Kết quả của nghiện game là: tinh thần lúc nào cũng bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong game, kết quả học tập sa sút nghiêm trọng, một số bị trầm cảm phải vào viện tâm thần, thậm chí trở thành tội phạm.

    tre-nghien-game-loi-tai-gia-dinh-1




  • 2
    Lỗi tại gia đình

    Mặc dù rất thông cảm với hoàn cảnh của những bậc cha mẹ có con “trót” say mê game một cách mù quáng, đến mức cả gia đình phải sử dụng nhiều biện pháp như quát mắng, đánh đập, chửi bới… để đưa các em trở lại cuộc sống bình thường, nhưng chúng ta cũng không thể không tự hỏi rằng: “Cha mẹ các em đã ở đâu khi các em mới bắt đầu “nghiện” game?”.

    Khi trẻ có những biểu hiện lạ như: tỏ ra cáu gắt khi người khác động vào, bất thường trong giờ giấc sinh hoạt hàng ngày, không quan tâm đến việc vệ sinh cơ thể… thì những bậc cha mẹ có trách nhiệm không thể không nhận ra điều đó. Thế mà cha mẹ của các em này lại không nhận ra.

    Thoạt đầu, họ chỉ tặc lưỡi khi thấy con ôm lấy chiếc máy tính cả ngày. Với suy nghĩ: “Thôi kệ nó, trẻ con ai cấm chơi làm gì, ở nhà là ngoan rồi, còn hơn ra ngoài đường bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, những trò còn kinh khủng hơn”, những bậc cha mẹ này cho rằng như thế là quá đủ. Nhưng chính trong những gì họ cho là quá đủ lại ẩn chứa những mầm mống ảnh hưởng tới con cái mà họ không hề nhận ra. Bản thân game không xấu, chính hoàn cảnh giáo dục và cách thức con người tiếp cận game mới sinh ra những điều xấu.

    Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (CĐSP Tp.HCM), trong việc quản lý trẻ em trò chơi trực tuyến, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. “Người ta nói Internet như là không khí, không ai có thể chặn nó được. Tốt nhất là giống như chúng ta đưa con đi chơi ở ngoài đường, gặp trời lạnh thì phải mặc áo ấm, choàng khăn, gặp bụi thì phải đeo khẩu trang chứ không thể ngăn gió, ngăn bụi được.
     
    Với Internet cũng vậy, cha mẹ phải quản lý được con cái mình, không nên thả lỏng cho trẻ chơi rồi có việc gì lại đổ tại xã hội. Chúng ta không thể trách những trẻ mê chơi game được, vì cha mẹ đã không chỉ cho trẻ cách chơi, không bày ra những trò chơi bổ ích cho trẻ chơi. Những cha mẹ này cần được tham gia những lớp bồi dưỡng kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng quản lý trẻ em”, thạc sĩ Long khẳng định.



Comments