Trẻ nhiễm khuẩn do tắm lá sai cách

14:30 14/04/2015

(Giúp bạn)Việc tắm lá không đúng khiến trẻ bị bội nhiễm, nhiễm khuẩn nhất là nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.

Tác hại khi tùy tiện tắm lá cho trẻ

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, việc sử dụng các loại lá để tắm cho con mỗi khi thấy trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa có thể làm trẻ bị viêm da. Khi da trẻ bị trầy xước, nếu dùng lá để tắm sẽ càng làm cho làn da non nớt của trẻ bị ngứa, mẩn đỏ tăng lên.

Đó là còn chưa kể đến nhiều loại lá cây mọc ở ngoài vườn, bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi vẫn không diệt hết mầm bệnh, sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao cho bé.

Có những trẻ tắm nước lá nhưng không bị viêm da là do cơ địa của từng trẻ khác nhau, nhưng không phải trẻ nào cũng có thể tắm được nước lá và tuyệt đối không tắm khi trẻ đang mắc các bệnh ngoài da.

Việc tắm lá (tắm thuốc) trong Đông y cũng phải có chỉ định rõ ràng của thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền hoặc những lương y có kinh nghiệm đối với từng bệnh hoặc đối tượng nào không được tắm. Đối với da bình thường, không nên tắm lá cho trẻ.

Biểu hiện nhiễm khuẩn da ở trẻ

Biểu hiện dễ thấy nhất của trẻ bị viêm da là sốt, một số vùng da hoặc toàn thân xuất hiện mẩn đỏ. Tuy nhiên, khi thấy hiện tượng này, nhiều người lại quan niệm sau khi tắm lá nếu mẩn đỏ “phát” ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ.

Do đó, không ít trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng viêm nhiễm nặng, phải điều trị dài ngày. Cá biệt, có bệnh nhi bị viêm nhiễm ở vùng mặt, đầu, cổ, nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh, nhiễm trùng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

-1

Phòng bệnh về da cho trẻ

Khi trẻ mắc các bệnh về da, nguyên nhân đầu tiên là do không giữ vệ sinh da cho con thật tốt. Ở trẻ em, do da mỏng, sức đề kháng yếu hơn, chưa thích ứng được với những thay đổi đột ngột của môi trường nên càng dễ bị vi khuẩn tấn công.

Vì thế, để phòng các bệnh mụn nhọt, viêm da, nhiễm trùng da ngày hè, cha mẹ cần giữ việc giữ vệ sinh da cho bé là vô cùng quan trọng. Cần tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng tắm, sữa tắm dành riêng cho trẻ.

Nếu không có điều kiện, dùng nước lọc để tắm hằng ngày cho trẻ cũng rất an toàn. Mặc quần áo thoáng, sạch sẽ cho trẻ.

Khi cơ thể trẻ xuất hiện các nốt mẩn ngứa, mụn nhọt mẹ cần cắt móng tay cho con để hạn chế việc trẻ gãi gây trầy xước dẫn đến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, dễ dẫn tới nhiễm trùng da.

Đối với những trường hợp da trẻ bị mụn nhọt, mẩn ngứa khi phải bôi thuốc cho con, cha mẹ cần vệ sinh tay trước khi bôi thuốc, để phòng vi khuẩn có trong tay có thể xâm nhập qua các vết xước.

Khi phát hiện da trẻ có các biểu hiện bất thường, viêm nhiễm, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chữa trị phù hợp, tuyệt đối không nghe các kinh nghiệm truyền miệng để chữa bệnh cho con.

Thận trọng khi tắm lá cho trẻ

Chia sẻ trên VnExpress, phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, nhiều bà mẹ thấy con nổi mẩn ngứa, rôm sảy, liền đi lấy các loại lá như sài đất, bàng, chè xanh... đun lấy nước tắm cho con. Theo các chuyên gia, nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn da rất cao.

-2

Ông cho hay, khoa từng tiếp nhận bé sơ sinh mới vài tuần tuổi đã bị nhiễm khuẩn da, sốt, một số vùng da lở loét. Lý do là vì muốn con gái được trắng trẻo, hết rôm sảy, gia đình đã mua nước dừa về tắm cho con. Thực tế, tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn, vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.

Phó giáo sư Dũng nói, trên da có sẵn vi trùng, tắm rửa không sạch sẽ rất dễ khiến trẻ bị viêm da. Các loại nước chè, dừa xanh... nhiều người nghĩ là sạch, tốt nhưng chưa chắc đã sạch bằng nước thường. Đây chỉ là những kinh nghiệm truyền miệng của nhiều bà mẹ.

Việc tắm lá không đúng càng khiến trẻ bị bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều cha mẹ quan niệm tắm lá vừa có tác dụng diệt khuẩn lại không hóa chất nên an toàn cho da của trẻ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, việc tắm lá (tắm thuốc) cho trẻ nhỏ chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý mua các loại lá về tắm cho con. Tùy từng cơ địa của trẻ mà có thể tắm các loại lá khác nhau.

Ngay cả lá bàng, chè xanh mà nhiều phụ huynh hay tắm cho trẻ cũng không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh. Vì trong hai loại lá này có chất ta nanh (chất chát) dễ làm cho da em bé bị tổn thương. Ngoài ra, có những loại như trúc đào, lá bạch hoa trà thiết thảo tuyệt đối không được dùng tắm cho trẻ vì chúng chứa chất độc có thể gây viêm da, nhiễm trùng nặng.

Cũng theo ông Hướng, quan điểm trẻ bị rôm sảy tắm lá sẽ khỏi là không đúng. Đây là hiện tượng do khí huyết nóng phát ra nên việc tắm lá sẽ không có tác dụng. Cách chữa trị là nên giải nhiệt cho trẻ bằng cách cho ăn đồ mát.

Chỉ được tắm lá cho trẻ từ 1 tuổi trở lên và theo chỉ định của thầy thuốc. Khi tắm không được chà xát mạnh bởi đây là nguyên nhân khiến da trẻ bị viêm nhiễm. Tuyệt đối không tắm lá khi trẻ bị các bệnh ngoài da mà nên đưa bé đi khám, ông Hướng khuyến cáo.

Thuốc tham khảo: Bepanthen Ointment 5% 30g

- Phòng và điều trị da khô rát, nứt nẻ hoặc bị xây xát
- Da khô
- Chăm sóc vú ở phụ nữ cho con bú và do đau rát núm vú
- Chăm sóc và bảo vệ da trẻ em khỏi bị tổn thương do độ ẩm của tã, phòng và điều trị da khi bị xây xát, nổi mẩn đỏ.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Bệnh ung thư máu ở trẻ em: Triệu chứng và phương pháp điều trị
-4 Bệnh nhiễm trùng tiểu ở trẻ em
-5 Trẻ em không nên dùng thuốc Allopurinol
-6 Lưu ý khi sử dụng men vi sinh cho trẻ em


Theo GDVN

Comments