Xử lý khi có dị vật trong tai
(Giúp bạn)Dị vật trong tai thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi chơi đã tự đút vào (hạt bắp, hạt đậu…) hoặc một số mảnh vụn, bụi… lọt vào tai hoặc do côn trùng...
Theo Vnexpress, dị vật tai thường gặp ở trẻ em, trai nhiều hơn gái. Các em hay nghịch nhét hạt ngô, hạt đậu, cục sỏi, hạt cườm, sáp màu, bi sắt... Người lớn bị dị vật tai hiếm gặp hơn, có thể là cục bông bỏ quên khi vệ sinh tai, hạt chanh do nước gội đầu đưa vào, mảnh kim khí..., hoặc côn trùng bò, bay vào tai.
Bình thường phần giữa tai ngoài và tai giữa có một bộ phận ngăn cách gọi là màng nhĩ. Nếu màng nhĩ bình thường, dị vật thường nằm ở phần ống tai ngoài, trừ trường hợp di vật bắn vào tai mạnh, có thể xuyên qua màng nhĩ vào nằm ở tai giữa (mảnh kim khí, hạt thóc khi đứng xem xay thóc...). Cũng có thể do phương pháp lấy dị vật không đúng làm thủng màng nhĩ, đưa dị vật từ tai ngoài vào tai giữa, hoặc do màng tai thủng từ trước do viêm mạn tính, dị vật qua lỗ thủng vào trong tai giữa.
Làm gì khi có dị vật trong tai?
Sức khỏe & đời sống cho biết, thông thường, dị vật tai được chia thành 3 loại: Loại côn trùng, loại hạt của cây, loại hạt nhựa, sỏi đá, kim loại, thủy tinh…. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì khó chịu. Trẻ em thường được khám và phát hiện tình cờ. Những cách lấy dị vật thường được áp dụng: bơm rửa bằng nước, dùng kẹp gắp, dụng cụ có móc để kéo dị vật, ống hút. Đặc biệt, dị vật côn trùng sống có thể sơ cứu bằng nhỏ nước muối hoặc nước sạch vào tai, nằm nghiêng về bên đối diện để côn trùng có thể tự bò ra ngoài. Nếu không được thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Tại cơ sở y tế tùy vào tính chất, hình dạng, vị trí của dị vật và tình trạng của ống tai cũng như tình trạng toàn thân mà các bác sĩ sẽ có các cách xử trí khác nhau. Nếu dị vật còn ở phần ống tai sụn, chưa bít tắc ống tai thì có thể lấy ra bằng cây móc ráy hoặc bơm rửa cho dị vật trôi ra, nếu dị vật không trôi ra được thì sử dụng ống hút để lấy. Nếu dị vật là côn trùng đang còn sống thì phải làm bất động nó bằng cách nhỏ vào tai các dung dịch như chloroform, cồn, glycerin, dầu, rồi mới tìm cách nhẹ nhàng lấy nó ra.
Nếu dị vật có kích thước lớn và chắc, kẹt cứng trong ống tai và lại ở trong sâu thì có khi phải gây tê, thậm chí gây mê để lấy nhất là ở trẻ nhỏ trong những trường hợp đặc biệt. Thậm chí có trường hợp khó tới mức phải tiến hành phẫu thuật theo đường sau tai hoặc trong tai, đục mở xương thành sau ống tai mới có thể lấy dị vật ra được. Chính vì vậy, nếu gia đình phát hiện trẻ có dị vật ở tai thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Tuyệt đối không được tự ý lấy dị vật tại nhà vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn làm nguy cơ tổn thương nhiều hơn và khó lấy hơn.
Để phòng tránh trẻ tự nhét đồ vật vào tai thì gia đình cần dạy trẻ không được nhét bất cứ vật gì vào tai hoặc mũi, vật dụng, đồ chơi nhỏ gia đình không sử dụng cần bỏ vào hộp và để xa tầm tay trẻ em hoặc vứt bỏ tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Tham khảo thuốc: Nước súc miệng Thái dương: Thúc đẩy tuần hoàn lợi (nướu) ngăn ngừa nguy cơ cao răng và viêm nhiễm gây sâu răng. Giúp khử sạch mùi hôi miệng và cho hơi thở thơm mát. Flour giúp cho răng chắc khoẻ mỗi ngày. Đặc biệt hương bạc hà độ cay nhẹ, thân thuộc, sát trùng nhẹ. |
Trà Mi
Theo GDVN