Giúp bạn chuẩn bị tâm lý cho bé vào lớp 1

22:33 07/09/2015

(Giúp bạn) - Bậc tiểu học và đặc biệt là khối lớp 1 là những năm tháng đầu đời của thời học sinh. Các bé sẽ gặp phải rất nhiều những khó khăn, bỡ ngỡ khi bước vào môi trường học tập nghiêm túc, cần sự tập trung cao độ. Làm sao để các em sớm hòa nhập vào môi trường mới, với thày cô, bạn bè là điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng, trăn trở. Đang quen với môi trường mẫu giáo "chơi là chính", các bé sẽ rất bỡ ngỡ với việc phải học tập nghiêm túc, có sách vở, bàn ghế, phấn bảng, có giờ học các môn học khác nhau theo thời khóa biểu... Muốn trẻ yêu lớp, yêu trường, cha mẹ cần phải làm cho con cảm thấy việc đi học không quá đáng sợ, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con và cả cho mình:

Phóng viên  đã có cuộc trao đổi với chị Lê Thị Hồng Nhung , phụ huynh của cháu Nguyễn Lê Bảo Sơn hiện đang theo học lớp 1A3 trường Tiểu học Công Nghệ Giáo Dục Hà Nội về kinh nghiệm chuẩn bị tâm lý cho mẹ và con.

 

Ngày đầu tiên đi học sẽ là dấu ấn trong tâm thức của trẻ cho đến khi trưởng thành. Trong buổi đầu con đến với môi trường mới, mẹ (hoặc bố) cần lắng nghe con, giúp con làm quen bằng cách cùng đi học với con. Thực tế, có những ông bố bà mẹ không chuẩn bị tâm lý cho con đã khiến con sợ hãi khóc thét khi đến trường. Việc phụ huynh đẩy bé vào cổng, mặc kệ bé khóc hay hứa với con là ba mẹ đi một chút sẽ trở lại đón con... sẽ khiến bé có cảm giác sợ bị bỏ rơi, sợ không được thương yêu... 

Bố, mẹ nên xây dựng thói quen học tập tự giác cho bé. Bố mẹ có thể hướng dẫn nhưng không tạo cho con thói quen cứ học là có bố mẹ ngồi bên. Trẻ cần có một không gian riêng, ở đó trẻ có thể tự do viết xấu, viết sai, rồi nhận thấy cái xấu, cái sai mà mày mò sửa. Cho bé tự đề ra thời gian biểu học tập. Buổi tối, mẹ cần dành thời gian hướng dẫn trẻ tự gọt bút chì, sắp xếp sách vở đồ dùng học tập cho ngày mai. Từng bước xây dựng thói quen tự giác cho bé sẽ làm bé cảm thấy tự tin hơn và chủ động trong mọi lúc, kể cả khi ở trên lớp. Mẹ giúp trẻ chọn lựa sách, đọc sách cho trẻ nghe để giúp trẻ diễn đạt điều mình muốn nói một cách rõ ràng mạch lạc. Hình thành cho trẻ thói quen ngồi vào bàn khi ăn, sắp xếp ngăn bàn và dụng cụ học tập, đi ngủ đúng giờ để hôm sau đi học sớm.

 

Gia đình bạn hãy nhắc đến việc bé đi học lớp 1 như một sự kiện đáng thán phục. Cả nhà cùng bé chuẩn bị góc học tập thật đẹp mắt, gọn gàng. Trẻ sẽ cảm thấy đi học là một việc đáng để tự hào. Khi bé rời khỏi lớp học về nhà, đừng nên hỏi bé về số điểm mà con đạt được, thay vào đó có thể hỏi con "Ngày hôm nay con có vui không?", "Các bạn trong lớp học tập thế nào?"...Để con hào hứng với môi trường mới mẹ phải thật thoải mái, không tạo áp lực cho bé phải đạt điểm cao hay danh hiệu giỏi.

Vì là cháu trai, hiếu động nên chị Nhung cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình, sẵn sàng khi cháu viết chữ xấu, mực dây bẩn sách, vở, áo quần hay viết chậm hơn các bạn.

Thầy cô giáo vừa là thầy, vừa là mẹ, vừa là anh chị:

Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ cô giáo Phạm Thị Thu Trang- giáo viên lớp 1 của trường tiểu học Công nghệ Gíao dục Hà Nội về một số phương pháp cô giáo và nhà trường đã thực hiện nhằm giúp các bé tự tin trong giao tiếp, hòa đồng với môi trường mới.

 

Tại trường tiểu học Công Nghệ Giáo Dục Hà Nội, các thày cô luôn coi trọng sự lồng ghép các kỹ năng sống và các họat động tập thể, dã ngoại, vui chơi ngòai trời để các bé có thể phát triển tòan diện về cả thể chất và trí tuệ đồng thời sẽ không tạo áp lực lên các bé. Các bé được rèn luyện tự gấp chăn, gối…để tăng cường sự tự giác, tính tự lập, tự chủ cho các bé.

 

 Tuy nhiên, các bé lớp 1 cũng sẽ còn rất nhiều bỡ ngỡ, rụt rè khi phải hòa nhập vào một môi trường học tập mới mẻ. Vì thế, các thày cô và gia đình cũng cần dành thời gian quan tâm nhiều hơn tới các bé, để cho các bé có một tâm thế thật thỏai mái, sẵn sàng bước vào một năm học mới. Các bé thường hay bị phân tán tư tưởng, thời gian tập trung không được lâu. Do đó, không thể ép các bé làm việc liên tục.

 

Cô Trang chia sẻ, trong giờ tập viết, khi các bé viết được 5 phút, cô sẽ ra hiệu cho các bé dừng bút, tập vài động tác thể dục tay đơn giản hoặc cho các bé tham gia vào một trò chơi vận động vào cuối tiết học để các bé không cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi.

 

Thêm vào đó, cô giáo sẽ lần lượt chỉ định các bé làm lớp trưởng và luân phiên thay đổi mỗi tuần một lần để bé nào cũng có cơ hội làm cán bộ lớp, được đứng trước đám đông để thêm tự tin, hòa đồng với tập thể và chủ động hơn trong môi trường học tập mới. Các bé sẽ cùng hỗ trợ nhau tiến bộ hơn qua việc tham gia vào thời gian học nhóm, từ đó các bé sẽ có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân, sở trường cũng như sở đoản để từ đó cha mẹ và thày cô có thể tạo điều kiện, uốn nắn các bé vươt qua khó khăn, phát triển tòan diện.

 

 

 


Comments