Cách nào để xử lý khi "vùng kín" ngứa và có mùi khó chịu?

15:52 07/11/2014

(Giúp bạn)

Cách nào để xử lý khi "vùng kín" ngứa và có mùi khó chịu? Các mẹ ơi. có cách nào để xử lý khi "vùng kín" ngứa và có mùi khó chịu?


Tình trạng "vùng kín" có mùi khó chịu như bạn đang gặp phải rất có thể xuất phát từ nguyên nhân viêm phụ khoa.

Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa thường gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của nhiều chị em. Đặc điểm chung của tình trạng viêm phụ khoa là "vùng kín" tiết dịch nhờn (có thể nhiều hoặc ít tùy người), có mùi hôi, ngứa hoặc đau ở âm đạo... Phần dưới của cơ quan sinh dục nữ (bao gồm cả đoạn cổ tử cung nối với âm đạo) có đặc điểm chung là: tiếp xúc với ngoại cảnh nên dễ bị nhiễm trùng.

 

Một số bệnh viêm phụ khoa có dấu hiệu điển hình là gây ra mùi hôi ở "vùng kín" bao gồm:

 

- Viêm âm đạo do vi khuẩn: Hầu hết phụ nữ ở độ tuổi sinh nở thường trải qua ít nhất 1 lần bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Các triệu chứng chính của viêm âm đạo do vi khuẩn là có mùi tanh của cá trong âm đạo,ngứa hoặc rát ở âm hộ, âm đạo đặc biệt dễ thấy sau khi giao hợp hay trong khi hành kinh. Thường có ra nhiều khí hư ở âm đạo, mà khí hư này loãng, dính và có màu trắng xám.

 

- Viêm vùng chậu: Viêm vùng chậu là một bệnh lý chỉ tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan sinh dục nữ. Bệnh thường có các biểu hiện là: đau bụng, đau lưng, mệt mỏi, chảy máu âm đạo bất thường, đau trong và sau khi giao hợp,tiết dịch hôi ở âm đạo. Khi bị viêm vùng chậu, chị em phải đi khám và điều trị ngay vì bệnh này để lâu có thể dẫn tới vô sinh.

 

- Nhiễm nấm âm đạo: Nhiễm nấm âm đạo gây ra bởi nấm Candida Albicans. Môi trường axít trong âm đạo giữ cho nấm không bùng phát. Nếu môi trường âm đạo bị kiềm hóa vì một lý do nào đó, nấm bùng phát (phát triển mạnh) gây ra chứng nhiễm nấm âm đạo. Nhiễm nấm thường không nguy hiểm nhưng gây ra nhiều bất tiện. Khi nhiễm bệnh, chị em có thể gặp các biểu hiện là dịch tiết âm đạo (huyết trắng bệnh lý) giống như pho-mát , đau khi giao hợp, sưng tấy âm hộ, có mùi khó chịu ở "vùng kín"...

 

Cách xử lý thế nào?

 

Sự cân bằng hóa học của âm đạo là rất nhạy cảm và tinh tế, nó là cách tốt nhất giúp cơ thể tự làm sạch "vùng này". Cách tốt nhất để làm sạch khu vực bên ngoài âm đạo là vệ sinh bằng nước ấm và xà phòng nhẹ. Các sản phẩm như xà phòng, bột và nước hoa dùng cho vệ sinh phụ nữ là không cần thiết và thậm chí có thể gây hại.

 

Nếu bạn có quá nhiều tiết dịch âm đạo gây khó chịu, gây ngứa hoặc có mùi hôi thì rất có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu bạn có những triệu chứng này, bạn nên đi khám sớm. Có một vài điều cần chú ý trước khi đi khám bác sĩ.

 

Bạn không nên làm sạch âm đạo hoặc thụt rửa âm đạo trước khi đi khám bác sĩ, vì điều này sẽ loại bỏ tiết dịch âm đạo. Dịch tiết âm đạo là một tín hiệu giúp các bác sĩ phụ khoa xác định bệnh hoặc nhiễm trùng để có những phương pháp điều trị thích hợp cần thiết.

 

 

Cách ngăn chặn và điều trị tiết dịch âm đạo

 

- Giữ cho bộ phận sinh dục của bạn sạch sẽ và khô ráo

 

- Sử dụng đồ lót bông. Tránh mặc quần áo hoặc đồ lót quá chật

 

- Không dùng chung khăn tắm và để cho khăn khô hoàn toàn giữa những lần sử dụng

 

- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh, lau bằng giấy vệ sinh từ trước ra sau

 

- Tránh thụt rửa. Trong khi nhiều phụ nữ cảm thấy sạch hơn nếu họ vệ sinh sau chu kỳ kinh nguyệt hay giao hợp, nhưng thực ra việc này có thể làm cho tình trạng dịch âm đạo trở nên tồi tệ hơn bởi vì nếu vệ sinh liên tục sẽ "tiêu diệt" các loại vi khuẩn lành mạnh ở niêm mạc âm đạo nên mất khả năng chống lại nhiễm trùng

 

- Ăn sữa chua khi uống thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men

 

- Sử dụng bao cao su để tránh đánh lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục

 

- Nếu bạn bị tiểu đường, cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu

 

- Thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh

 

- Kiểm tra sức khỏe hàng năm bao gồm: kiểm tra ngực, khám phụ khoa và kiểm tra các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

 

- Tự tìm hiểu về sức khỏe tình dục và sinh sản của bạn.

 

Tổng hợp


Comments