Những biến cố thường gặp khi đi đẻ phải...rạch?

15:51 07/11/2014

(Giúp bạn)

Chào chuyên mục! Tôi sắp sinh cháu đầu lòng nhưng do tẩm bổ quá nhiều nên thai hơi to. Tôi dự định sẽ đẻ thường nên nhờ chuyên mục giải đáp giúp tôi những biến cố sau khi sinh phải " rạch" của thai phụ. Cảm ơn chuyên mục!


Những biến cố thường gặp và nguyên nhân

 

- Mất máu

Là biến cố thường xảy ra ngay sau cuộc sinh của sản phụ. Chủ yếu là do rạch không đúng cách. Thông thường, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ từ đáy âm đạo và thường hơi chếch sang một bên (góc 5h hoặc 7h). Tuy nhiên, nhiều trường hợp do bác sĩ thiếu kinh nghiệm nên rạch góc 6h khiến lúc em bé chui ra dễ làm vết rách kéo dài, hậu quả là sản phụ bị mất nhiều máu.

 

- Viêm nhiễm

Tầng sinh môn là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, do đó vết rạch tầng sinh môn có nguy cơ nhiễm trùng cao. Vậy nên cần vệ sinh hết sức cẩn thận và đúng cách. Thông thường, lúc ở bênh viện, bạn sẽ được y tá hỗ trợ rửa vết thương. Bạn cũng được hướng dẫn cách tự vệ sinh khi ở nhà. Nhưng có nhiều chị em vì đau không tự vệ sinh được khiến vết rạch bị viêm và gây ra nhiều phiền toái.

 

- Dị ứng với chỉ khâu

Đó là khi sản phụ thấy đau nhức đồng thời sưng ở vết chỉ may. Trường hợp này ít xảy ra hơn và bạn có thể vệ sinh tại chỗ bằng Povidin, xịt Panthenol và dùng thêm kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.

 

- Biến cố do khâu thẩm mĩ

Thông thường, với lần sinh sau cùng hoặc nếu lần sinh sau cách khá lâu bạn sẽ được tư vấn khâu thẩm mĩ sau sinh. Khi đó bác sĩ sẽ cắt bỏ da thừa và khâu lại cho “gọn gàng” hơn. Tuy nhiên, ngay sau khi sinh vết thương thường phù nề nên nếu là bác sĩ còn “non tay” thì đôi khi căn chỉnh không được chính xác khiến độ rộng – hẹp không như mong muốn.

 

- Vết thương không liền

Là hệ quả khi xảy ra viêm nhiễm, dị ứng... khiến vết thương không liền được.

 

Cần làm gì để tránh xảy ra sự cố?

 

Thai phụ nên lường trước những biến cố có thể xảy ra với tầng sinh môn khi quyết định sinh thường. Hãy chọn cho mình nơi sinh phù hợp và bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo an toàn cho cuộc sinh nở. Hãy hỏi bác sĩ thật kĩ cách chăm sóc vết thương và đừng ngần ngại nhờ sự trợ giúp của người thân khi bạn không thể tự làm được. Bởi vì, đề phòng sự cố là việc đơn giản hơn rất nhiều so với việc khắc phục những hệ lụy do nó gây ra. Lúc ấy, không chỉ bạn, con bạn mà cả những người thân cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

 

Đối với các bà mẹ muốn khâu thẩm mĩ tầng sinh môn, nên đến bác sĩ để được tư vấn xem có ảnh hưởng gì đến chất lượng sữa không nếu bạn đang cho con bú.

 

Minh Dương


Comments