1. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
Một trong những yếu tố đầu tiên để giao tiếp ứng xử thành công chính là hiểu bản thân mình muốn gì, người đối thoại muốn gì. Chỉ khi hiểu bản thân mình muốn gì bạn mới có thể khơi mào vấn đề cần nói tới và chỉ khi hiểu đối phương cần gì bạn mới biết cách ứng xử đúng chiều.
Trang Tử - nhà triết học nổi tiếng Trung Quốc có nói “Khôn chết, dại chết, biết sống”. Muốn thành công cần phải nắm rõ cửu tri: biết mình, biết người, biết thời đại, biết dừng, biết đủ, biết căn nguyên, biết sợ mình, biết nhẫn và biết ứng phó.
2. Tôn trọng nhân cách những người tiếp xúc với ta
Trong giao tiếp ứng xử, tôn trọng người đối diện sẽ giúp bạn xóa đi khoảng cách và tạo được sự thân thiện trong cuộc đối thoại.
Xét về mặt tâm lý, con người ai cũng có cái TÔI rất lớn. Ai cũng coi mình là nhân vật quan trọng, nhiều người còn đặt mình là cái rốn của vũ trụ. Nhưng trong giao tiếp ứng xử, nếu để cái TÔI lấn át đối phương thì bạn sẽ mất hình ảnh cá nhân.
Điều quan trọng nhất để tạo ấn tượng cho người đối thoại chính là bạn phải nhớ những điều cơ bản về họ, đặc biệt là tên. Hãy giữ thể diện cho nhau ở mọi lúc, mọi nơi. Tuyệt đối không làm bẽ mặt người khác trước mặt đông người dù biết họ sai mười mươi. Chỉ nhận xét, phê phán công việc, sự kiện chứ không đánh giá trực tiếp nhân cách của người đối thoại.
Các nhà hùng biện nổi tiếng thế giới đều biết cách sử dụng thiện xảo 2 tiếng “chúng ta” hoặc “chúng mình” và nhờ đó họ gặt hái được thành công. Vua thép Hoa Kỳ - Andrew Carnegie đã ca ngợi những người giúp việc trước mặt họ. Trên bia mộ của ông khắc dòng chữ “Đây là nơi an nghỉ ngàn thu của một người biết thu dụng những người thông minh hơn mình”.
3. Biết khen ngợi, khích lệ người khác
Trong giao tiếp ứng xử, để tạo sự thân thiện, tin tưởng thì việc biết khen ngợi, động viên, khích lệ người khác đúng lúc, đúng chỗ sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ.
Tổng thống Abraham Lincoln đã từng đúc kết: “Ai cũng muốn được người khác khen mình”. Đó là tâm lý phổ biến của con người. Nhưng khen cũng phải khen đúng, phải thật, phải từ tâm, chân thành, không vụ lợi, không xỏ xiên mới là người trung thực, có nhân cách.
Trong cuộc sống, chúng ta nên biết động viên, khích lệ nhau. Khích lệ đúng lúc, đúng người thì chúng ta có thể nhìn thấy những điểm mạnh, sở trường của họ. Sếp biết quan tâm, khích lệ nhân viên thì sẽ tạo động lực làm việc cho họ. Sự thành công hội tụ từ những điều nhỏ nhất là vậy.
4. Luôn giữ nụ cười trên môi và giọng nói ngọt ngào
“Một nụ cười bằng mười thang thuôc bổ”. Lời nói đẹp là âm nhạc của thế gian. Trong giao tiếp ứng xử, nụ cười và giọng nói ngọt ngào là vũ khí vô cùng quan trọng.
Trong giao tiếp hàng ngày, nụ cười là sứ giả đầu tiên gây thiện cảm. Nụ cười chẳng tốn hao gì mà mang lại nhiều lợi ích. Kẻ phú quý đến bậc nào mà thiếu nó cũng nghèo, kẻ nghèo hèn đến đâu mà có nó cũng trở thành sung sướng.
5. Quan tâm, lo lắng cho người khác
Sống trong đời sống cần phải có tình với nhau, yêu thương và tôn trọng con người là nguyên tắc quan trọng trong giao tiếp ứng xử. Quan hệ xã hội là quan hệ cho - nhận, có đi có lại mới toại lòng nhau. Nếu ứng xử với lòng nhiệt tình, biết quan tâm, lo lắng cho người khác thì bạn cũng sẽ nhận được những giá trị tương tự như vậy.
Thực hiện 5 nguyên tắc trên đây sẽ giúp bạn thành công không chỉ trong giao tiếp ứng xử mà cả trong công việc và cuộc sống.
Tổng hợp từ sách "Văn hóa ứng xử, bí quyết sống lâu, trẻ lâu"