Bật mí những nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp Nhật Bản
(Giúp bạn) - Muốn làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản thì nhất định bạn phải biết được những nguyên tắc lcơ bản của họ. Dưới đây là những điều quan trọng bạn cần tìm hiểu nhé!
Tinh thần võ sỹ Samurai luôn luôn ẩn chứa trong mỗi người dân Nhật Bản, chính vì vậy, dù cuộc sống có đang dần dần thay đổi nhưng tinh thần ấy, văn hóa ấy vẫn là một định luật “ bất thành văn”. Nếu thử hỏi những ai có mơ ước được bước chân vào một doanh nghiệp Nhật Bản rằng bạn có đủ khả năng hòa nhập trong môi trường công sở kiểu Nhật hay không vẫn còn đây đó những câu trả lời bỏ ngỏ. Một nguyên tắc được tôn thờ tuyệt đối khi quản lý công việc nhóm trong một doanh nghiệp Nhật Bản chính là tinh thần tập thể, ấy chính là sự hòa hợp, thống nhất ý kiến trong một tập thể.
Truyền thống chào đón nhân viên mới của doanh nghiệp Nhật Bản:
truyền thống chào đón nhân viên mới của doanh nghiệp Nhật Bản |
Một trong những điều gây ấn tượng sâu đậm nhất cho người nước ngoài khi bước chân vào một công ty Nhật Bàn, chính là sự chào đón nồng hậu dành cho nhân viên mới hiếm thấy ở những quốc gia khác. Trong trường hợp bạn là sinh viên chân ướt chân ráo ra trường và may mắn xin được việc trong một công ty đặt trụ sở tại Nhật Bản, khả năng rất cao bạn sẽ được tham dự một buổi lễ chào đón lứa nhân viên mới gần vài chục, có thể lên đến vài trăm người. Đây là một trong những truyền thống đặc trưng của các công ty Nhật Bản, vốn có thói quen tuyển dụng nhân viên mới theo mùa – chính xác hơn là vào khoảng tháng 4 hàng năm, thời điểm sinh viên các trường đại học tại đó vừa tốt nghiệp. Còn nếu như bạn gia nhập vào công ty Nhật không theo mùa tuyển dụng hoặc một doanh nghiệp Nhật Bản đặt trụ sở tại nước ngoài, xác suất cao bạn sẽ có cơ hội được chào mừng bằng một “nghi thức” nho nhỏ trong đó bạn tự giới thiệu về bản thân mình và chào hỏi những nhân viên cũ trong công ty.
Đối với doanh nghiệp Nhật Bản, học để hợp tác:
đối với doanh nghiệp Nhật Bản học để hợp tác |
Các doanh nghiệp Nhật khi tuyển dụng thường ít chú trọng vào thành tích và kỹ năng chuyên môn sẵn có của nhân viên, mà quan tâm nhiều hơn đến khả năng hòa nhập và thích ứng với môi trường làm việc của nhân viên mới. Bởi mỗi công ty có một cung cách làm việc khác nhau, nhân viên rất khó có thể hợp tác nếu cứ thế ôm những kỹ năng, nguyên tắc học được từ công ty cũ để áp dụng cho nhóm làm việc ở công ty mới; nên cứ với mỗi một lứa nhân viên, công ty Nhật Bản sẽ tổ chức đào tạo quy tắc làm việc cũng như kỹ năng lại từ đầu cho họ. Ngoài ra, nhân viên người nước ngoài cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của đồng nghiệp người bản xứ để làm quen với môi trường mới nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, trong doanh nghiệp Nhật Bản còn có một hình thức đào tạo khá đặc biệt so với những nước khác, gọi là cross training. Đây là hình thức đào tạo đặc biệt dành cho hai đối tượng: nhân viên mới chưa có kinh nghiệm cụ thể ở lĩnh vực nào, và thành phần có khả năng được thăng tiến lên cấp lãnh đạo.
Văn phòng của doanh nghiệp Nhật Bản với không gian mở:
văn phòng của doanh nghiệp Nhật Bản với không gian mở |
Khu vực hành chính của các công ty Nhật thường là một căn phòng rộng, với những dãy bàn dài không phân gian. Ngoại trừ các cấp lãnh đạo có phòng làm việc kín, đa số nhân viên trong cả công ty sẽ được xếp ngồi cạnh nhau theo team làm việc. Không chỉ với lý do lý do chính là để tiết kiệm không gian, cách bài trí này còn là một cách đề cao tính tập thể trong công ty. Trong không gian mở như vậy, mọi người sẽ nhìn thấy được đồng nghiệp của mình, tiện bàn bạc, trao đổi ý kiến hơn rất nhiều so với việc gõ cửa phòng làm việc cá nhân. Ngoài ra, ý thức của các nhân viên sẽ được nâng cao khi làm việc trong môi trường như vậy; bao gồm việc giữ trật tự, ngăn nắp trên bàn làm việc, tập trung vào công việc, hạn chế hí hoáy làm việc riêng…
Trong doanh nghiệp Nhật Bản, triết lý tập thể luôn là trên hết:
Trong công ty Nhật Bản, mọi công việc, quyết định, thành tích, thậm chí cả thất bại, đều thuộc về tập thể, chứ không bao giờ là cá nhân. Khi đã làm việc trong tập thể người Nhật, không bao giờ có chuyện một nhân viên duy nhất gánh vác hết tất cả những trọng trách trong khi những người khác ngồi chơi xơi nước. Công việc trong nhóm sẽ được phân đều ra cho tất cả mọi người, để đảm bảo ai cũng phải bỏ ra nỗ lực như nhau. Bên cạnh đó, khi thực hiện phần việc của mình cũng không được quên báo cáo lại chi tiết nhiệm vụ, tiến độ cũng như cho cả tập thể, để những thành viên khác nắm bắt được tình trạng chung công việc của cả nhóm.
Cũng có một số ý kiến cho rằng việc đề cao tính tập thể của người Nhật sẽ gây kìm hãm việc phát huy năng lực làm việc của những cá nhân xuất sắc. Nhưng mặt khác, phương pháp hợp tác tuyệt đối này sẽ đảm bảo được quan hệ hòa hảo giữa các thành viên trong nhóm; đồng thời, tạo động lực cho không chỉ một cá nhân, mà tất cả mọi người, nỗ lực cống hiến cho kết quả công việc của tập thể.
Trong doanh nghiệp Nhật Bản: “Họp, họp nữa, họp mãi”:
trong doanh nghiệp Nhật Bản: "Họp, họp nữa, họp mãi" |
Nhiều nhân viên người nước ngoài làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy rằng họ phải tham gia quá nhiều cuộc họp gây lãng phí thời gian. Thực tế số lượng những cuộc họp trong công ty Nhật không nhiều hơn là mấy nếu đem so với các quốc gia khác. Có điều, khác với doanh nghiệp nước ngoài, chỉ yêu cầu những người nắm giữ vị trí quan trọng trong mỗi bộ phận tham gia, thì người Nhật luôn cố gắng làm sao để đảm bảo tất cả nhân viên có liên quan đều có một ghế trong phòng họp. Bất kể chức vụ cao thấp, miễn là một thành viên trong tập thể thì ai cũng có quyền đóng góp ý kiến. Chính vì vậy mà dưới góc độ một nhân viên thông thường, số cuộc họp họ phải tham gia sẽ tăng lên đáng kể.
Nội dung các cuộc họp trong doanh nghiệp Nhật Bản thường tập trung vào báo cáo chi tiết nội dung và kết quả công việc, giúp nhân viên có một cái nhìn tổng quát về hoạt động tập thể, chứ không chỉ quanh quẩn trong phần việc của cá nhân mình. Ngoài ra khi xác định phương hướng hoặc cách giải quyết một vấn đề, công ty Nhật thường mất rất nhiều thời gian để có được sự nhất trí của cả tập thể. Điều chứng tỏ quan điểm của mỗi cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Chừng nào chưa có sự đồng nhất ý kiến, sẽ không có quyết định nào được đưa ra và cũng không ai được phép rời bàn họp cả.
Hi vọng rằng giúp bạn đã mang lại cho bạn một góc nhìn về doanh nghiệp Nhật Bản!