Bệnh huyết áp thấp

15:44 14/04/2015

(Giúp bạn)Bệnh huyết áp thấp nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được phòng tránh và chữa trị. Chính vì thế cần phải chú trọng khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh huyết áp thấp.

Zing news đưa tin, đối với bệnh tăng huyết áp, chỉ số huyết áp là cơ sở quyết định cho chẩn đoán bệnh. Nhưng với bệnh huyết áp thấp, chỉ số đó chỉ có tính chất tham khảo trong khi triệu chứng của bệnh được quan tâm nhiều hơn, điển hình như: mệt mỏi, lả và rất muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn. Bên cạnh đó, huyết áp thấp có thể suy giảm khả năng tình dục, da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc, vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh, thở dốc, nói như hụt hơi nhất là sau khi leo cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày,…

Huyết áp càng thấp thì nguy cơ bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với mất trí nhớ do Alzheimer gây ra. Đặc biệt, huyết áp giảm 10mmHg thì nguy cơ mất trí tăng 20% và những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần. Tụt huyết áp cũng có thể làm tim đập nhanh, gây choáng, ngất. Và một điều ít ai biết rằng, huyết áp thấp là một trong những nguyên nhân gây tai biến mạch máu não chiếm tỷ lệ 10 – 15% giống như tăng huyết áp, 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.

-1

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Vietnamplus cho biết, huyết áp thấp dễ xảy ra với những người quá lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ… Đặc biệt, huyết áp thấp dễ xảy ra ở người bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường...

Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh huyết áp thấp. Có thể do sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tâm, thận, tỳ dương, hoặc do hệ thống thần kinh tự động của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế.

Cũng có thể do yếu tố di truyền, những người có thể trạng yếu, hoặc người mắc một số bệnh huyết học kèm theo như viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, lao...

Các nghiên cứu đã cho thấy, đối tượng mắc bệnh huyết áp thấp thường thuộc các dạng sau:

- Cơ thể bị suy nhược do làm việc quá sức, stress, mất ngủ, với người phải áp dụng giảm cân vì mắc các bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường.

- Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp, sẽ có nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc.

- Do suy giảm glucoza. Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi.

- Hàm lượng hemoglobin thấp. Một người khoẻ mạnh hàm lượng hemoglobin trong máu ở mức 100 milliters. Ở nam giới hàm lượng này ở mức 13,5 tới 17,5 g/dl còn ở nữ giới là 11,5 tới 15,5g/dl. Khi hàm lượng hemoglobin thấp tức là dưới mức 9g/dl sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng hoa mắt, chóng mặt.

- Nhịp tim chậm. Nếu nhịp tim đập dưới 60 nhịp trong một phút, sẽ không đủ lượng máu và oxy lưu thông trong cơ thể dẫn tới bệnh huyết áp thấp.

Theo các bác sĩ tim mạch, chứng huyết áp thấp không chỉ tập trung vào những người quá lao lực, suy dinh dưỡng, phụ nữ…

Giờ đây nguyên nhân gây chứng bệnh này còn có sự tham gia của các yếu tố như cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng độc chất…

Chính vì thế, huyết áp thấp đã trở thành một trong những căn bệnh thời đại mà ai cũng có thể bị mắc.

Dấu hiệu huyết áp thấp

Theo VTV, chỉ số huyết áp đạt dưới 100/60mmHg được coi là huyết áp thấp. Sức bóp cơ tim yếu, giảm trương lực mạch máu, đặc biệt các mạch máu nhỏ được biểu hiện bằng giảm các giá trị huyết áp. Huyết áp thấp được chia thành huyết áp thấp sinh lý và huyết áp bệnh lý.

Huyết áp thấp sinh lý: Thường gặp ở những người khỏe mạnh với đặc điểm huyết áp thấp duy trì trong suốt cuộc đời, không phát hiện được những biến đổi bệnh lý khi chẩn đoán lâm sàng.

Huyết áp thấp sinh lý có thể là huyết áp thấp do thể tạng - di truyền, huyết áp thấp do rèn sức bền thường xuyên, ví dụ ở vận động viên chạy, bơi, đạp xe cự ly dài và huyết áp thấp ở cư dân sống trên vùng núi cao do sự bù trừ thích nghi trong điều kiện thiếu oxy.

Huyết áp thấp bệnh lý: Thường được phân ra thành: Tụt huyết áp cấp và huyết áp thấp mãn tính.

- Tụt huyết áp cấp với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, ngất.

- Huyết áp thấp mãn tính lại được chia ra: huyết áp thấp nguyên phát và huyết áp thấp thứ phát. Huyết áp thấp nguyên pháp do giảm trương lực thần kinh mạch máu. Huyết áp thấp thứ phát - triệu chứng của bệnh khác như thiếu máu, bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính hay ngộ độc như: viêm họng mãn, viêm đường mật, sâu răng, viêm lợi...

Huyết áp thấp bệnh lý do giảm trương lực thần kinh - mạch máu bệnh huyết áp thấp với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tim mạch: đau ngực trái, rối loạn nhịp tim, điện tim biến đổi.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Cho trẻ ăn nhiều dưa dễ bị tiêu chảy
-3 Dinh dưỡng cho trẻ mới vào lớp 1
-4 Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng và phòng tránh bị bắt nạt
-5 Cách phòng tránh cước chân tay cho trẻ vào mùa lạnh

Theo GDVN

Comments