Bệnh lạ: Bệnh giun chỉ bạch huyết
(Giúp bạn)Giun chỉ bạch huyết làm cho hệ thống bạch huyết thay đổi và mở rộng bất thường gây ra đau đớn và tàn tật nghiêm trọng.
Bệnh giun chỉ bạch huyết hay còn gọi là bệnh phù chân voi
Bệnh giun chỉ bạch huyết do 3 loài ký sinh trùng gây ra và có thể dẫn đến phù lớn các chi và các phần khác của cơ thể.
Sự truyền bệnh
Giun chỉ trưởng thành sống trong các bạch mạch của cơ thể, sinh ra ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển trong mạch máu và được muỗi hút khi đốt người bệnh.
Sau khi phát triển trong cơ thể muỗi nhiều ngày, ấu trùng đi qua da khi muỗi đốt người, di chuyển đến các hạch bạch huyết và phát triển thành giun chỉ trưởng thành ở các mạch bạch huyết.
Khả năng mắc bệnh do một lần muỗi đốt là rất thấp. Giun chỉ trưởng thành có thể sống nhiều năm, sinh ra một số lượng lớn ấu trùng trong máu.
Khi mới nhiễm giun chỉ thường không có biểu hiện gì, một thời gian sau mới xuất hiện tổn thương ở hệ bạch huyết và tổn thương ở thận với sự xuất hiện của protein và hồng cầu trong nước tiểu. Khi tổn thương hệ bạch mạch dẫn đến tình trạng tắc mạch bạch huyết làm dịch bạch huyết ứ đọng dẫn đến chân, tay hoặc bộ phận sinh dục (ở nam giới) bị sưng to gấp nhiều lần so với bình thường và da vùng này cứng và dày hơn, dễ bội nhiễm vi khuẩn hơn gọi là bệnh chân voi.
Triệu chứng lâm sàng bệnh giun chỉ bạch huyết
Các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng chủ yếu được xác định tùy theo thời gian bị nhiễm bệnh. Giun chỉ trưởng thành sống trong mạch bạch, có thể gây viêm nặng cho hệ thống bạch mạch và các cơn sốt cấp tính, lặp đi lặp lại. Nhiễm trùng thứ phát là yếu tố chủ yếu dẫn tới phù nề bạch mạch và chân voi.
Diễn biến bệnh có thể chia làm 3 thời kỳ:
- Thời kỳ ủ bệnh: bệnh nhân không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, ngẫu nhiên xét nghiệm có ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi.
Thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài 5 – 7 năm, thường bệnh nhân thấy các biểu hiện mẩn ngứa ngoài da, sốt nhẹ, bạch cầu ái toan trong máu tăng cao, mệt mỏi. Ở các bệnh nhân này dễ phát hiện ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi. Thời kỳ ủ bệnh là thời kỳ có khả năng lây bệnh cao.
- Thời kỳ khởi phát: Bệnh nhân xuất hiện các đợt viêm hạch bạch huyết kèm theo sốt, diễn biến như các bệnh nhiễm trùng. Các đợt viêm hạch bạch huyết ngày càng tăng, có thể thấy hoặc sờ thấy hạch vùng nách, bẹn hoặc các bạch mạch nổi cứng.
Trong thời kỳ này nếu xét nghiệm máu ngoại vi có thể tìm thấy ấu trùng giun chỉ.
- Thời kỳ tiềm tàng: Ở thời kỳ này, bệnh nhân không thấy xuất hiện các đợt viêm bạch mạch cấp tính, nhưng các hạch bạch huyết có thể to lên thường xuyên. Quan trọng nhất thời kỳ này là xuất hiện phù voi. Các đợt phù voi liên tiếp, da dày dần, ở chân có thể thấy phù từ dưới lên trên.
Thường bệnh nhân phù một chân hoặc 1 tay, ít trường hợp phù cả 2 chân. Bộ máy sinh dục nam, nữ cũng có hiện tượng phù to, không đỏ, không đau. Trong thời kỳ này rất ít khi tìm thấy ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi.
Làm gì khi nghi ngờ bị nhiễm giun chỉ
Khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn cần đến bác sĩ để thực hiện các xét nghiệm để tìm ấu trùng giun chỉ trong máu hay nước tiểu hoặc tìm thấy kháng thể trong huyết thanh.
- Xét nghiệm máu: Nguyên tắc là lấy máu về đêm. Thời gian lấy máu là thời gian ấu trùng xuất hiện cao nhất trong máu ngoại vi, thường từ 23 giờ đến 2 giờ sáng. Tuy nhiên, bệnh giun chỉ khi chuyển sang giai đoạn tiềm tàng rất ít khi tìm thấy ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi.
- Xét nghiệm nước tiểu: Được áp dụng cho các bệnh nhân đái ra dưỡng chấp.
- Xét nghiệm huyết thanh: Là kỹ thuật gián tiếp tìm kháng thể, sử dụng các kỹ thuật: Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang, kỹ thuật ELISA. Tuy nhiên, các kỹ thuật gián tiếp có độ tin cậy không cao bằng phương pháp trực tiếp tìm ấu trùng giun chỉ vì hiện tượng phản ứng chéo giữa giun chỉ và các bệnh ký sinh trùng khác.
Trà Mi
Theo GDVN