Ung thư bàng quang

15:47 14/04/2015

(Giúp bạn)Ung thư bàng quang là một loại ung thư bắt đầu trong bàng quang, một cơ quan hình cầu ở vùng xương chậu và chứa nước tiểu.

Ung thư bàng quang là gì?

Thông tin trên trang tin điện tử Bệnh viện K cho biết, bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở vùng bụng dưới chứa nước tiểu do thận thải ra. Nước tiểu từ thận được dẫn vào bàng quang thông qua một ống gọi là niệu quản. Lớp phía ngoài của thành bàng quang là một lớp cơ, khi bàng quang đầy nước tiểu lớp cơ này sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài qua một ống nhỏ khác gọi là niệu đạo.

Lớp niêm mạc phía trong của thành bàng quang được tạo thành từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Trên 90% ung thư xuất phát từ tế bào chuyển tiếp còn gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Còn lại có khoảng 8 % là ung thư biểu mô vảy.

-1

Những ung thư còn khư trú ở niêm mạc bàng quang thì được gọi là ung thư bề mặt bàng quang, các bác sĩ còn gọi là ung thư tại chỗ. Loại này thường tái phát sau phẫu thuật. Các tế bào ung thư ban đầu ở bề mặt bàng quang sau đó chúng sẽ phát triển đến lớp cơ của bàng quang. Hiện tượng này gọi là sự xâm lấn của ung thư, sự xâm lấn này có thể vượt ra ngoài thành bàng quang vào các cơ quan lân cận như tử cung, âm đạo (ở phụ nữ) hoặc tuyến tiền liệt (ở nam giới) và nó cũng có thể tới thành bụng.

Khi ung thư xâm lấn qua thành bàng quang, các tế bào ung thư có thể được tìm thấy ở các hạch lymphô gần đó, và tại thời điểm này các tế bào ung thư có thể đã lan tới các hạch lymphô khác hoặc các cơ quan như phổi, gan, xương.

Khi ung thư di căn từ cơ quan nguyên phát tới các cơ quan khác của cơ thể thì khối u mới được hình thành có cùng bản chất và tên gọi với khối u ở cơ quan nguyên phát.

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Theo Sức khỏe & đời sống, bàng quang là một tổ chức cơ, có hình quả bóng ở trong khung chậu. Nó chứa nước tiểu mà thận của bạn sản xuất trong suốt quá trình lọc máu.

Giống một quả bóng, bàng quang của bạn có thể lớn hơn hoặc nhỏ đi phụ thuộc vào lượng nước tiểu mà nó chứa đựng. Nước tiểu từ thận xuống bàng quang qua một ống nhỏ được gọi là niệu quản, và được bài tiết ra ngoài cơ thể qua một ống hẹp khác, gọi là niệu đạo.

Ung thư phát triển như thế nào?

Những tế bào khỏe mạnh phát triển và phân chia theo trật tự. Quá trình này được kiểm soát bằng ADN - vật chất di truyền chứa đựng sự chỉ dẫn cho tất cả các quá trình hóa học trong cơ thể. Khi ADN bị tổn thương, có những thay đổi trong thông tin di truyền. Kết quả là những tế bào phát triển không kiểm soát được và thậm chí hình thành khối u, một khối các tế bào ác tính.

Hầu hết ung thư bàng quang bắt đầu từ các tế bào đặc biệt ở bề mặt của thành bàng quang (tế bào chuyển tiếp). Những tế bào tương tự cũng gặp ở thận, niệu quản và niệu đạo, nơi chúng cũng có thể phát triển thành u ác tính.

Một vài ung thư vẫn còn khu trú ở bề mặt của bàng quang (ung thư biểu mô tại chỗ). Những những ung thư khác đã xâm lấn, phát triển vào trong hoặc qua thành của bàng quang, và thậm chí vào hạch bạch huyết xung quanh và các cơ quan kế cận. Khi đó, ung thư cũng có thể di căn tới các cơ quan khác, bao gồm phổi, gan hoặc xương.

Những nguyên nhân chưa được biết rõ:

Những nguyên nhân tổn thương ADN dẫn đến ung thư bàng quang chưa hoàn toàn rõ ràng. Một vài trường hợp có biến đổi di truyền – ung thư bàng quang di truyền trong gia đình.

Thường gặp hơn những đột biến gây ung thư bàng quang phát triển trong suốt đời sống con người. Tổn thương ADN xảy ra tùy thuộc vào sự phơi nhiễm với các chất độc hóa học nhất định, như những chất được tìm thấy trong khói thuốc lá.

Mặt khác, những yếu tố di truyền như cách cơ thể chuyển hóa các chất hóa học nhất định có thể giữ một vai trò nào đó. Nhiều người có cơ thể chuyển hóa những chất độc hóa học nhanh ít mắc ung thư bàng quang hơn những người chuyển hóa các chất hóa học tương tự chậm hơn.

Các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang

Độ tuổi. Nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng lên khi người ta già đi. Những người dưới 40 tuổi hiếm khi mắc căn bệnh này.

Thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chính. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn gấp 2 - 3 lần so với người không hút thuốc. Người hút thuốc lá tẩu hoặc xì gà còn có nguy cơ cao hơn.

Nghề nghiệp. Một số công nhân có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn do tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư ở nơi làm việc. Công nhân trong ngành cao su, hóa chất và thuộc da có nguy cơ cao. Nhân viên làm đầu, thợ máy, công nhân kim khí, thợ in, họa sĩ, công nhân ngành dệt may và tài xế lái xe tải cũng có nguy cơ cao.

Nhiễm khuẩn. Bị nhiễm một số loại kí sinh trùng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư bàng quang. Những loại kí sinh trùng này thường phổ biến ở những vùng nhiệt đới.

Chế độ điều trị có sử dụng cyclophosphamid hoặc arsenic. Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị ung thư và một số bệnh khác. Chúng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Chủng tộc. Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 lần người Mỹ gốc Phi và người Tây Ban Nha. Tỷ lệ mắc thấp nhất là ở người châu Á.

Giới nam. Nguy cơ mắc ung thư bàng quang ở nam giới cao hơn ở nữ giới 2 - 3 lần.

Tiền sử gia đình. Những người có thành viên trong gia đình bị ung thư bàng quang có vẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu những thay đổi trong một số gen nhất định có thể gây tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Quế giúp ổn định đường huyết
-3 Khắc phục tình trạng da khô mốc meo mùa đông
-4 Lạc nội mạc tử cung
-5 Yếu tố nguy cơ gây lạc nội mạc tử cung

Theo GDVN

Comments