Bệnh lang ben

15:44 14/04/2015

(Giúp bạn)Lang ben là bệnh thường gặp với biểu hiện thường thấy là những đốm da màu trắng hoặc nâu xuất hiện ở mặt, lưng hoặc ngực.

Bệnh lang ben: Những điều cần biết

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, lang ben là một bệnh ngoài da do vi nấm Pityrosporum orbiculaire gây ra. Đây là bệnh thường gặp tại Việt Nam, người bệnh thường cảm thấy ngứa, sang thương da (da biến màu trắng hay đen), vẩy, Việc điều trị bệnh tương đối dễ dàng nhưng vấn đề khó khăn nhất là tình trạng tái phát.

-1

Cũng theo Sức khỏe & đời sống, bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay ra nhiều mồ hôi. Lúc này bệnh nhân có cảm giác như bị kim chích nhẹ gây ngứa ngáy khó chịu. Bệnh lang ben tùy thuộc khá nhiều vào việc vệ sinh da, sức đề kháng của cơ thể, phụ thuộc vào độ pH và độ ẩm của da. Bệnh lang ben ít ảnh hưởng tới sức khỏe chung của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ vì làm thay đổi màu sắc vùng da bị bệnh. Chính vì vậy người bệnh thường mong muốn được điều trị một cách triệt để.

Bệnh thường tiến triển âm thầm và lâu dài từ nhiều tháng đến nhiều năm, lứa tuổi thanh thiếu niên 15-25 dễ mắc bệnh nhất, tập trung ở lưng, ngực, cổ và mặt trong cánh tay. Thời gian bị bệnh càng lâu thì càng khó chữa. Tỉ lệ mắc bệnh lại sau 1 năm thường cũng khá cao (20%).

Vnexpress cho biết, lang ben rất dễ lây lan. Thời gian đầu, những đốm lang ben có thể xuất hiện ở diện tích nhỏ, sau này có thể lan rộng ra diện tích lớn như một nửa thân trên, ở lưng, ngực, mặt. Không chỉ thế, lang ben còn có thể lây lan cho người khác qua việc dùng chung các vật dụng cá nhân, nằm chung giường chiếu… Nhiều người cho rằng lang ben chỉ gây mất thẩm mỹ cá nhân nên bệnh nhân thường không chữa sớm mà để cho lang ben lan rộng, trở nên khó trị và có thể là nguồn lây cho người khác.

Điều trị bệnh lang ben

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Liên (Bệnh viện Da liễu TP HCM) nói, đối với các vết lang ben ở diện tích nhỏ, người bệnh có thể dùng kem bôi chứa ketoconazole, terbinafine, miconazole... để điều trị. Trong trường hợp vết lang ben đã lây lan trên diện tích lớn và ở những vị trí khó thoa thuốc như lưng, gáy, mặt sau cánh tay… người bệnh có thể dùng dầu gội đặc trị có chứa ketoconazole 2% để gội và tắm trong 5 ngày liên tiếp nhằm diệt vi nấm tận gốc. Trong quá trình điều trị, tuyệt đối không nên sử dụng các loại thuốc trị nấm da có chứa corticoid vì dễ bị tác dụng phụ như làm teo da, rạn da và tạo cơ hội cho nấm phát triển nhiều hơn, khó chẩn đoán và điều trị sau này.

Lang ben rất dễ tái phát, nguyên nhân có thể do điều trị không đủ liều, không thoa thuốc trên những vùng nhiễm nấm nhưng chưa đổi màu hoặc không chú ý loại trừ nguồn lây như quần áo đã nhiễm nấm trước đó.

Để vi nấm không có cơ hội sống sót và phát triển, người bệnh cần tuân thủ lộ trình điều trị, tuyệt đối không ngưng thuốc ngay cả khi có dấu hiệu bệnh đã thuyên giảm. Trước mỗi mùa hè, người bệnh có thể tắm bằng dầu gội hoặc sữa tắm chứa ketoconazole 2% một lần mỗi ngày, trong vòng 3 ngày nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát.

Để phòng bệnh lang ben, cần lưu ý những việc sau: Mặc đồ thoáng, nhất là vào mùa nóng. Người hoạt động thể lực nhiều càng phải chú ý hơn; không mặc đồ ẩm hoặc đồ quá chật, chọn mặc các loại vải thông thoáng dễ thoát mồ hôi; vệ sinh da sạch sẽ sau khi vận động, khi ra nhiều mồ hôi trong thời tiết nóng. Ngoài ra, người bệnh cần giặt giũ quần áo, tấm trải giường thường xuyên để diệt trừ vi nấm gây bệnh; không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác để tránh lây bệnh.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Nên và không nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn gì?
-3 Nên làm gì để dễ thụ thai?
-4 Những lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi
-5 Làm thế nào để cho con ăn dặm hợp lí?

Theo GDVN

Comments