Bệnh thấp tim

15:44 14/04/2015

(Giúp bạn)Bệnh thấp tim còn gọi là bệnh ‘thấp khớp cấp’. Là một bệnh kinh diễn có những đợt cấp tính gây tổn thương viêm nhiễm tại nhiều nơi trong cơ thể với mức độ khác nhau mà chủ yếu là ở tim, gây xơ chai van tim

Bệnh thấp tim là gì?

Thấp tim là một bệnh viêm do liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A gây nên làm tổn thương khớp, tim, thần kinh, da và chỉ để lại di chứng ở tim.

Bệnh thấp tim hay còn gọi thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp (Rheumatic Fever) được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo. Cho tới nay, bệnh vẫn khá thường gặp ở các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh van tim ở người trẻ tuổi. Bệnh thường gặp từ 6-15 tuổi, nhưng không ít trường hợp xảy ra ở lứa tuổi 20.

Bệnh thấp tim có triệu chứng như thế nào?

Trang thông tin Y dược Việt Nam cho biết, bệnh nhân bị thấp tim có các triệu chứng sau:

Triệu chứng chính:

- Sưng khớp với các đặc điểm lâm sàng: khớp sưng, đau đỏ, không cử động được và có tính chất di động từ khớp này sang khớp khác, khi khỏi không để lại di chứng, thường các khớp to bị sưng.

- Viêm tim: nghe tim có tiếng thổi tâm thu hay tâm trương, hoặc có tiếng cọ màng tim, tim to, mạch nhanh nhỏ.

- Cục Meynet dưới da: rắn, di động, to bằng hạt đỗ đến hạt ngô, thường sờ thấy ở khớp, cột sống.

- Hồng ban.

- Múa giật.

Triệu chứng phụ:

- Sốt

- Ðau đa khớp

- Ðiện tâm đồ: PR kéo dài

- Tiền sử: đã mắc bệnh viêm khớp

- Các xét nghiệm:

+ Tốc độ máu lắng tăng cao

+ C-reactin protein (+)

+ Công thức bạch cầu: bạch cầu tăng

- Chẩn đoán bệnh thấp tim cần có 1 triệu chứng chính và 2 triệu chứng phụ hoặc 2 triệu chứng chính và xét nghiệm thấy có thể bị nhiễm liên cầu.

-1

Chẩn đoán bệnh thấp tim

Chẩn đoán thấp tim ban đầu khó, khi chẩn đoán được kể cả kỹ thuật mới thì tim đã bị viêm.

1. Chẩn đoán xác định: Khó khăn trong đợt thấp đầu tiên, dựa vào các tiêu chuẩn của Jones.

Tiêu chuẩn chính:

- Viêm tim.

- Ban vòng.

- Viêm khớp.

- Nốt dưới da.

- Múa giật.

Tiêu chuẩn phụ:

- Sốt

- Đau khớp

- PR kéo dài

- VS tăng, bạch cầu tăng, C Reative Protein (+)

- Tiền sử thấp hay bị bệnh tim sau nhiễm liên cầu.

Tiêu chuẩn mới bị nhiễm liêu cầu

- Tăng dần nồng độ kháng thể kháng liên cầu.

- Vừa bị bệnh tinh hồng nhiệt (Scarlatine).

Khi chẩn đoán thấp tim phải có 2 tiêu chuẩn chính, hoặc 1 tiêu chuẩn chính + 2 tiêu chuẩn phụ và mới bị nhiễm liên cầu.

Những kỹ thuật mới:

- Siêu âm 2 bình diện có thể thấy tràn dịch màng tim, các biến đổi các van tim, mức độ rối loạn chức năng tim.

- Siêu âm Doppler: Phát hiện hở van 2 lá, van ĐMC, đánh giá mức độ hở.

2. Chẩn đoán phân biệt:

- Viêm đa khớp dạng thấp: Viêm nhiều khớp nhỏ, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp, tiến triển kéo dài.

- Viêm khớp do lậu cầu: Viêm 1 khớp thường khớp gối, dịch khớp có vi khuẩn.

- Lao khớp: Cơ thể suy kiệt, sốt dai dẳng, thường sau lao phổi, khớp thường gặp: khớp háng, cột sống lưng.

- Lupus ban đỏ: Ban hình cánh bướm ngoài da, biến đổi màu da, đau nhiều khớp, thương tổn thận nặng, tổn thương màng phổi, bụng.

- Viêm màng ngoài tim, cơ tim do virus: Bệnh rầm rộ, cấp tính, sốt cao, cọ màng ngoài tim, khỏi hoàn toàn không để lại di chứng.

Phòng bệnh thấp tim

ThS.Phan Đình Phong chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống, vì thấp tim là do liên cầu gây ra và có thể lây nhiễm nên những biện pháp giáo dục sức khoẻ là rất quan trọng. Hãy giáo dục cho trẻ giữ vệ sinh, không để nhiễm lạnh.

- Nâng cao thể chất cũng là biện pháp quan trọng trong việc chống đỡ bệnh. Một khi trẻ có các dấu hiệu viêm đường hô hấp trên cần được điều trị triệt để và sớm. Nếu có những biểu hiện đau khớp thì cần đưa ngay trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

- Phòng bệnh cấp I: Một bước cực kỳ quan trọng trong điều trị thấp tim là loại trừ ngay sự nhiễm liên cầu khuẩn, cũng gọi là chế độ phòng thấp cấp I.

- Cần thiết phải điều trị thật sớm nếu có thể khi phát hiện ra nhiễm liên cầu. Penicillin là thuốc lựa chọn hàng đầu vì tính hiệu quả và giá rẻ. Với bệnh nhân dị ứng với penicillin,  thay thế bằng erythromycin uống trong 10 ngày. Có thể dùng marcrolide mới như azithromycin để thay thế rất có tác dụng. Có thể thay thế bằng chế độ khác là dùng cephalosporin dạng uống thế hệ I (cephalexin, cephadroxil) uống trong 10 ngày.

- Phòng bệnh cấp II: Phải bắt đầu ngay khi được chẩn đoán thấp tim. Thời gian dùng thuốc luôn là câu hỏi của bệnh nhân và nói chung phụ thuộc vào từng cá thể bệnh nhân. Nên dùng bằng đường tiêm. Chỉ nên dùng đường uống cho các trường hợp ít có nguy cơ tái phát thấp tim hoặc vì điều kiện không thể tiêm phòng được vì tỷ lệ tái phát thấp tim ở bệnh nhân dùng đường uống cao hơn đường tiêm nhiều. Hãy thật kiên trì và tuân thủ theo yêu cầu của bác sĩ vì chỉ một sự chủ quan cũng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường sau này mà bạn không còn thời gian để mà hối hận.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Bệnh mạch vành
-3 Vẹo cột sống ở trẻ em: Nguyên nhân và biểu hiện
-4 Trẻ ra mồ hôi nhiều gây thiếu canxi
-5 Bệnh tim mạch là gánh nặng cho phụ nữ mang thai

Theo GDVN

Comments