Nguyên nhân gây bệnh đổ mồ hôi trộm

15:41 14/04/2015

(Giúp bạn)Mồ hôi trộm đổ vào ban đêm dù thời tiết lạnh là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi.

Bệnh đổ mồ hôi trộm là gì?

Sức khỏe và đời sống cho biết, khi nhiệt độ tăng lên, nhiều người trong chúng ta có thể cảm thấy nóng bừng bừng và bắt đầu toát mồ hôi. Mặc dù đây là hiện tượng bình thường, giúp làm mát cơ thể nhưng việc đổ mồ hôi quá mức, nhất là ban đêm có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó.

Mồ hôi trộm thể hiện qua tình trạng vã mồ hôi vào ban đêm khi ngủ, thường gặp ở trẻ em, cá biệt cả người lớn, gây ra rất nhiều phiền toái cho các bậc phụ huynh và những người mắc bệnh. Căn bệnh này nếu không chữa trị dứt điểm có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và trở thành nỗi ám ảnh thường trực của các phụ huynh đối với con em mình. Rất nhiều bà mẹ đã lên diễn đàn chăm sóc trẻ than thở chuyện con mình mắc phải mồ hôi trộm mà chưa tìm được thuốc chữa trị hữu hiệu.

-1

Cũng theo Vietnamnet, các chuyên gia cho rằng đổ mồ hôi là phản ứng miễn dịch bình thường trước sự nhiễm trùng, vì cơ thể phải đẩy cao nhiệt độ của mình để cố gắng tiêu diệt vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, nếu điều này thường xuyên xảy ra với lượng mồ hồi tiết ra quá mức, bạn cần đi thăm khám bác sĩ.

Một số nguyên nhân gây đổ mồ hôi bất thường:

Nhịn ăn hoặc bỏ bữa

Đổ mồ hôi có thể là một dấu hiệu của chứng hạ đường huyết. Mặc dù hiện tượng này thường gắn với bệnh tiểu đường nhưng nó có thể xảy ra ở những người không mắc bệnh khi họ nhịn hoặc bỏ một bữa ăn.

Chuyên gia lý giải rằng, cơ thể người luôn sản sinh ra hoóc môn insulin vào giờ ăn để chuẩn bị cho việc điều chỉnh lượng đường glucoza từ thức ăn hấp thụ vào máu. Khi chúng ta bỏ bữa, việc thiếu đường glucoza trong máu sẽ kích thích giải phóng hoóc môn adrenaline do cơ thể bước vào trạng thái sinh tồn "chiến đấu hoặc cao chạy xa bay". Điều này gây đổ mồ hôi.

Các vấn đề về tuyến giáp

Đổ mồ hôi liên tục có thể là dấu hiệu của chứng cường tuyến giáp hay tuyến giáp hoạt động quá mức. Bình thường, tuyến giáp sản sinh ra một loại hoóc môn kiểm soát tốc độ cơ thể sử dụng năng lượng dự trữ cũng như độ nhạy cảm của nó trước các hoóc môn khác. Khi quá nhiều hoóc môn tuyến giáp được sản sinh ra, hiện tượng này có thể gây đổ mồ hôi liên tục bằng cách kích thích các tuyến mồ hôi.

Rối loạn hoóc môn

Những người đàn ông đổ mồ hôi vào ban đêm, ngay cả khi thời tiết không quá ấm nóng, có thể đang sở hữu lượng testosterone thấp.

Khi lượng testosterone trong cơ thể thấp, khu vực dưới đồi (hypothalamus) - vùng não điều khiển nhiều chức năng, bao gồm cả thân nhiệt và áp huyết, sẽ nhận các tín hiệu giả tạo rằng cơ thể bị quá nóng, dẫn đến hiện tượng toát mồ hôi như một cách làm mát cơ thể. Testosterone cũng vô cùng cần thiết cho sự chắc khỏe của cơ và xương, do đó những người có lượng hoóc môn này thấp có thể cảm thấy yếu và ngủ lịm bất thường.

Trong khi đó, đổ mồ hôi vào ban đêm ở phụ nữ là một dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh, mặc dù giới khoa học vẫn chưa biết tại sao lượng hoóc môn oestrogen thấp lại gây ra ảnh hưởng này. Hiện tượng đổ mồ hôi có thể trầm trọng hơn ngay trước khi hoặc trong kỳ kinh vì lúc này lượng oestrogen sụt giảm xuống mức thấp nhất.

Dùng thuốc

Đổ mồ hôi có thể là một tác dụng phụ của việc dùng thuốc chống trầm cảm. Điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng đa số người bệnh dùng loại thuốc này thường tăng toát mồ hôi về đêm. Một số loại dược phẩm khác cũng gây đổ mồ hôi là thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chữa khô miệng, cảm lạnh và cảm cúm, viên sắt và thuốc kháng sinh. Ngưng sử dụng thuốc giảm đau mạnh đôi khi cũng có thể gây đổ mồ hôi.

Dây thần kinh bị lỗi

Hầu hết mọi người tiết ra khoảng 1 lít mồ hôi mỗi ngày, hoặc nhiều hơn khi trời nóng hoặc trong lúc tập luyện thể dục thể thao. Nếu bản thân bạn vẫn toát mồ hôi khi trời lạnh hoặc không có yếu tố kích thích, đó có thể là dấu hiệu của chứng tăng tiết mồ hôi, vốn ảnh hưởng tới khoảng 2 - 3% dân số toàn thế giới. Hội chứng này khiến đối tượng tăng tiết mồ hôi gấp tới 10 lần mức thông thường.

Đau tim

Đổ mồ hôi và cảm thấy chóng mặt, muốn ngất xỉu có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn đau tim. Đau ngực có thể xuất hiệnh trước hoặc các triệu chứng trên có thể đến ngay sau khi tập luyện thể dục thể thao. Các dấu hiệu khác bao gồm cả quặn thắt, đau ngực lan dần tới quai hàm, cổ, cánh tay và lưng.

Đổ mồ hôi theo cách này là một phần của phản ứng phế vị - mạch, gây sụt giảm nhịp tim và áp huyết đột ngột. Phản ứng như vậy cũng có thể xuất hiện ở những người đang vô cùng đau đớn, bị chảy máu não hoặc viêm ruột thừa cấp.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Bạn đã biết sử dụng thuốc đúng cách?
-3 Những sai lầm người muốn giảm cân thường mắc phải
-4 Những thực phẩm có hại cho trẻ
-5 Những bệnh cơ xương khớp ở trẻ cần đặc biệt lưu ý

Theo GDVN

Comments