Bệnh đái tháo nhạt
(Giúp bạn)Đái tháo nhạt là hậu quả hoặc do suy giảm bài xuất arginin vasopressin từ thùy sau tuyến yên hoặc do thận không đáp ứng với arginin vasopresin.
Đái tháo nhạt và các thể bệnh
Báo Đất Việt cho biết, theo thạc sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đái tháo nhạt là tình trạng người bệnh đi tiểu rất nhiều, nước tiểu có tỷ trọng thấp. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là đi tiểu và uống nước nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân có thể đi tiểu 5 - 20 lít mỗi ngày, nếu bệnh nặng thì có thể tiểu đến 40 lít mỗi ngày.
Bệnh có hai dạng là đái tháo nhạt trung ương và đái tháo nhạt do thận. Đái tháo nhạt trung ương là là do tổn thương tuyến yên. Trong cơ thể con người, tuyến yên tiết ra hormone ADH chống bài niệu. Việc thiếu tuyệt đối hay tương đối hormone này sẽ gây ra tình trạng đái tháo nhạt. Còn đái tháo nhạt do thận có nguyên nhân từ các khiếm khuyết ở ống thận, phần cấu trúc có chức năng thải hoặc tái hấp thu nước; có thể do di truyền hoặc mắc phải sau khi bị bệnh thận mạn tính (như viêm thận bể thận mạn, bệnh thận đa nang...).
Tuy nhiên, đái tháo nhạt thường nhắc đến là đái tháo nhạt trung ương. Một số nguyên nhân gây ra ngừng hoặc giảm sản xuất hormone ADH ở tuyến yên là phẫu thuật cắt một phần hoặc hoàn toàn tuyến yên, có khối u ở trong và trên núi yên như u sọ hầu, u màng não, hoặc mắc một số bệnh nhiễm khuẩn như lao, viêm não hoặc các bệnh tự miễn. Ngoài ra, có một số trường hợp có tính chất gia đình.
Biểu hiện của bệnh đái tháo nhạt
Theo Sức khỏe & đời sống, bệnh ĐTN có 2 dấu hiệu phổ biến và nổi bật là:
- Đi tiểu rất nhiều cả ngày lẫn đêm. Nhìn chung người bệnh sẽ đi tiểu từ 2,5 lít trở lên, có nhiều trường hợp tiểu tới 15 – 20 lít/ngày.
- Khát nước rất nhiều, BN thường phải uống lượng tương đương với lượng nước tiểu.
Các dấu hiệu khác có thể gặp là hậu quả của tình trạng mất nước nặng; người bệnh không bị gầy hoặc chỉ hơi gầy; mệt mỏi; đau đầu, đau mỏi cơ (do bị rối loạn điện giải như canxi, kali, natri...); hay cáu gắt; da, môi khô; những trường hợp nặng có thể bị sốt, nôn hoặc tiêu chảy; nặng hơn có thể bị nhịp tim nhanh, tụt huyết áp.
Có 3 bước quan trọng để chẩn đoán bệnh ĐTN, đầu tiên là xem BN có phải bị ĐTN hay không, tiếp theo là xác định týp bệnh (ĐTN trung ương hay do thận) vì mỗi týp cần các thuốc điều trị khác nhau, và cuối cùng là đi tìm nguyên nhân gây bệnh (nhất là thể trung ương). Các thăm dò phổ biến là:
- Đo áp lực thẩm thấu máu và nước tiểu: Trong bệnh ĐTN, áp lực thẩm thấu máu bình thường hoặc tăng nhẹ trong khi áp lực thẩm thấu niệu sẽ rất thấp.
- Làm nghiệm pháp chịu khát nhằm xác định thể bệnh ĐTN. Người bệnh sẽ được yêu cầu không được uống nước trong thời gian trên 6h, trong thời gian đó bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi thay đổi cân nặng, huyết áp, thể tích nước tiểu (hàng giờ) và tỷ trọng cũng như áp lực thẩm thấu nước tiểu. Trong bệnh ĐTN dù không uống nước nhưng người bệnh vẫn đi tiểu rất nhiều và nước tiểu rất loãng. Trước khi kết thúc, người bệnh sẽ được cho hít ADH, nếu là ĐTN trung ương thì lượng nước tiểu sẽ giảm xuống rõ rệt, còn nếu ĐTN do thận thì lượng nước tiểu sẽ vẫn nhiều. Ở các bệnh nhân trẻ em, nghiệm pháp này phải được thực hiện dưới sự theo dõi nghiêm ngặt của nhân viên y tế để tránh nguy cơ bị mất nước quá nhiều.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và các xét nghiệm khác: Đường máu bình thường (để phân biệt với bệnh đái tháo đường); natri máu cao (do bị mất nước).
Chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân gây đái nhiều, uống nhiều khác
- Đái tháo đường: Dựa vào đường máu bình thường.
- Cuồng uống (Potomanie): Là một tình trạng mà người bệnh cảm thấy khô miệng, uống nước rất nhiều và đi tiểu nhiều là hậu quả tất yếu. Những người này chỉ uống nhiều về ban ngày, còn ban đêm do ngủ say nên hầu như không uống nước nên cũng không tiểu nhiều đêm, khác hẳn bệnh ĐTN và đái tháo đường.
- Tiểu nhiều do tăng canxi máu hoặc giảm kali máu.
- Đái nhiều do dùng thuốc lợi tiểu, do uống nhiều bia...
Điều trị
Các nguyên tắc trong điều trị bệnh ĐTN là: Bổ sung nước đầy đủ bằng cách uống nhiều nước. Với những trường hợp nặng có thể phải truyền dịch (nhược trương). Những trường hợp nhẹ thì có thể chỉ cần uống nhiều nước (trên 2,5 lít) là đủ, không cần dùng thuốc; điều trị các nguyên nhân gây bệnh ví dụ u não...; ngừng hoặc thay đổi hoặc giảm liều các thuốc gây ĐTN.
Điều trị các thể bệnh ĐTN:
- ĐTN trung ương: Do nguyên nhân là thiếu hormon ADH nên điều trị phải bổ sung hormon thay thế, có tên gọi là desmopressin. Thuốc có các dạng viên uống, ống tiêm hoặc lọ xịt mũi. Trong đa số các trường hợp, điều trị desmopressin rất an toàn và đạt hiệu quả cao.
- ĐTN do thận: Nguyên nhân của thể bệnh này là do thận không đáp ứng với ADH, vì vậy điều trị desmopressin không có hiệu quả. Việc điều trị bao gồm: chế độ ăn nhạt để hạn chế thận tăng thải nước tiểu; thuốc hydrochlorothiazid, dùng đơn thuần hoặc phối hợp có thể có tác dụng tốt. Mặc dù đây là thuốc lợi tiểu nhưng khi dùng cho bệnh nhân ĐTN do thận nó lại có tác dụng làm giảm lượng nước tiểu.
Các thuốc khác có thể có tác dụng là indometacin (thuốc giảm đau chống viêm), clofibrat (điều trị rối loạn mỡ máu), tegretol (điều trị động kinh)...
Các biện pháp khác: Nên đeo vòng cổ tay hoặc có một cái thẻ trong ví ghi rõ là người bệnh ĐTN, thể bệnh ĐTN... để phòng trong trường hợp cấp cứu các nhân viên y tế sẽ dễ dàng chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong trường hợp vẫn đang dùng thuốc đều mà thấy khát nước và đi tiểu nhiều hơn thì phải đi khám lại ngay để được điều chỉnh chế độ điều trị.
Tham khảo thuốc: Jex: Giảm đau xương khớp cấp tính và mãn tính. Hỗ trợ điều trị viêm khớp: viêm xương khớp, viêm đa khớp dạng thấp. Giúp phòng ngừa và làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp |
Trà Mi
Theo GDVN