Bệnh tiêu chảy: Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ
(Giúp bạn)Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, niêm dịch, máu mủ.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
Theo Sức khỏe & đời sống, khi các tác nhân gây tiêu chảy xâm nhập vào đường tiêu hoá sẽ sản sinh ra các độc tố ruột (enterotoxin) kích thích tiết các chất điện giải, xâm lấn trực tiếp và phá huỷ các tế bào biểu mô niêm mạc ruột gây viêm tại ruột và toàn thân.
Có thể chia nguyên nhân gây tiêu chảy ra làm 3 nhóm chính:
Do virus
- Rotavirus là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu ở trẻ em, chiếm từ 20-40% tại các nước nhiệt đới và 40-60% tại các nước ôn đới. Ở nước ta, tỷ lệ này tại bệnh viện cũng tăng lên rõ rệt từ 21,5-28,1% (1983-1984) lên đến 53,7-68,8% (2001). Còn tại cộng đồng tỷ lệ này là 17,9-19% lên tới 25%.
- Các virus khác cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp nhưng chưa được nghiên cứu nhiều là: Adenovirus, Mocwalkvirus, Coronavirus, Picornavirus.
Vi khuẩn
- E. coli là loại vi khuẩn gây bệnh đứng hàng đầu ở nước ta, chiếm 24,9% với đủ cả 5 loại týp huyết thanh trong đó nhiều nhất là EAEC 10,5 - 15%.
- Shigella là loại vi khuẩn đứng hàng thứ 2, chiếm tỷ lệ 3,8-12,7%, trong đó 2 nhóm hay gặp nhất là S. flexneri và S. sonnei.
- Campylobacter jejuni là loại vi khuẩn đứng hàng thứ 3, chiếm tỷ lệ 7-10%.
- Salmonella chiếm tỷ lệ thấp từ 0,8-1,3%.
- Vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) thường gây thành dịch lớn rất nguy hiểm.
Ký sinh trùng
Entamoeba histolytica là tác nhân chủ yếu gây bệnh lỵ amíp. Ngoài ra còn có Giardia lamblia và Crypto sporidium.
Các yếu tố nguy cơ bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong cho trẻ em. Đồng thời cũng là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ em. Nó đã và đang trở thành một vấn đề toàn cầu, là gánh nặng kinh tế đối với các nước đang phát triển - Khám phá cho hay.
Để hạn chế được những hậu quả nghiêm trọng gây ra bởi tiêu chảy cấp, bạn và gia đình nên lưu ý đến một vài các yếu tố nguy cơ sau:
Các yếu tố con người:
- Tuổi: Hầu hết các đợt tiêu chảy xảy ra trong 2 năm đầu đời. Độ tuổi mắc bệnh cao nhất là nhóm từ 6 đến 11 tháng tuổi. Khi trẻ bắt đầu ăn sam, khi đó đồng thời có sự phối hợp giảm kháng thể thụ động từ mẹ trong khi chưa có miễn dịch tiếp xúc chủ động với sự ô nhiễm thức ăn khi trẻ bắt đầu ăn sam hoặc tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh khi trẻ tập bò.
- Tình trạng suy dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng dễ mắc tiêu chảy, các đợt tiêu chảy kéo dài hơn, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường dễ bị tử vong.
- Tình trạng suy giảm miễn dịch: Trẻ bị suy giảm miễn dịch tạm thời như sau khi bị sởi hoặc kéo dài như bị HIV/AIDS làm tăng tính cảm thụ với tiêu chảy.
- Tính chất mùa: Có sự khác nhau theo mùa và theo địa dư
- Vùng ôn đới: Tiêu chảy do vi khuẩn xảy ra cao điểm vào mùa nóng. Tiêu chảy do virus thường xảy ra cao điểm vào mùa đông.
- Vùng nhiệt đới: Tiêu chảy do vi khuẩn xảy ra cao điểm vào mùa mưa và nóng. Tiêu chảy do Rotavirus lại xảy ra cao điểm vào mùa lạnh.
Phong tục tập quán
- Cho trẻ bú chai: Chai và bình sữa dễ bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn đường ruột, khó đánh rửa, cho sữa vào bình không sạch sẽ bị ô nhiễm, nến trẻ không ăn hết sữa ngày, vi khuẩn phát triển gây bệnh tiêu chảy.
- Ăn sam: Cho trẻ ăn thức ăn đặc nấu chín để lâu ở nhiệt độ phòng bị ô nhiễm hoặc vi khuẩn phát triển nhanh hoặc lên men.
- Nước uống bị nhiễm bẩn: Do nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm hoặc các dụng cụ chứa nước bị ô nhiễm.
- Không rửa tay sau khi đi ngoài, dọn phân, giặt cho trẻ hoặc trước khi chuẩn bị thức ăn.
- Không xử lý phân (đặc biệt là phân của trẻ nhỏ) một cách hợp vệ sinh, phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy, phân súc vật cũng chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh cho người.
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN