Bệnh vảy nến mạn tính

15:41 14/04/2015

(Giúp bạn)Vẩy nến là bệnh mạn tính không lây, y học hiện nay chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm loại bệnh này.

Vẩy nến không phải là bệnh lây nhiễm

Báo Dân trí đưa tin, vẩy nến là bệnh có tính di truyền liên quan đến hệ thống miễn dịch và gien khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi bệnh sẽ bùng phát. Một số yếu tố khác cũng có thể gia tăng nguy cơ khiến bệnh nặng hơn như: Stress, viêm họng, do thuốc điều trị hoặc khí hậu khô lạnh… Bệnh vẩy nến gây tổn thương da, tạo thành những lớp vẩy khô cứng, gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh và làm mất thẩm mỹ.

-1

Bệnh vảy nến gây mất thẩm mĩ, tuy nhiên không phải là bệnh có thể lây lan

Tại Việt Nam, bệnh vẩy nến chiếm khoảng 2-3% dân số. Qua số liệu thống kê tại bệnh viện Da Liễu cho thấy, vẩy nến là một trong 5 bệnh về da phổ biến nhất chỉ đứng sau chàm, mụn trứng cá và mề đay. Bệnh vẩy nến đến nay không còn được xem là bệnh ngoài da thông thường mà đã được khẳng định là bệnh hệ thống có thể tác động đến cơ – xương – khớp, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa,…

Vnexpress dẫn lời bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Phó giám đốc Bệnh viện da liễu TP HCM chia sẻ, hiện nay vảy nến được xem như bệnh viêm hệ thống, có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan. Nguyên nhân gây bệnh là do hệ thống miễn dịch phát những tín hiệu sai làm da phát triển quá nhanh. Các tế bào da mới được tạo ra trong vài ngày chứ không phải vài tuần như bình thường, chúng không tróc ngay ra khỏi cơ thể mà xếp thành lớp trên bề mặt da gây nên những mảng vảy nến.

Bệnh nhân vảy nến cần giữ sức khỏe tốt bằng chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, dùng muối và đường vừa phải, giảm thức ăn nhiều mỡ và cholesterol, tránh thức ăn có tương tác với thuốc điều trị, bổ sung sinh tố.

Cần tăng cường nhóm thực phẩm chứa chất chống oxy hóa (nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế), beta carotene (cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài), folate (ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam), kẽm (sò và các thực phẩm có ngũ cốc), axit béo omega‐3 (các loại cá như cá mòi, cá thu, cá hồi; hạt lanh, hạt hướng dương, hạt mè).

Cần hạn chế các thực phẩm như đường, thực phẩm chiên xào và chế biến sẵn, thức ăn cay, tiêu, chocolate, trứng (với một số bệnh nhân). Nên thay thế thịt đỏ bằng cá hồi, cá thu, cá mòi, và sò ít nhất 3 lần một tuần. Ngoài ra, bệnh nhân cần uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm stress bằng cách tham gia các câu lạc bộ vảy nến, tập thể dục, thư giãn...

Vẩy nến gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ nên người bệnh thường bị người khác kỳ thị hoặc xa lánh do tâm lý sợ lây nhiễm. Tuy nhiên, đây là loại bệnh “vô hại” đối với người khác, gia đình và cộng đồng nên cảm thông chia sẻ để người bệnh có thể hòa nhập với cuộc sống. Bên cạnh đó, để chung sống cùng vẩy nến, người bệnh cần phải giữ sức khỏe ổn định, ăn hợp lý, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn ít muối, đường, mỡ; hạn chế đến mức thấp nhất rượu bia; tuyệt đối không hút thuốc lá vì các chất độc hại trong thuốc lá sẽ tương tác với thuốc điều trị, làm mất tác dụng của thốc điều trị.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Có được dùng muối cho trẻ ăn dặm?
-3 Đang cho con bú kiêng ăn gì?
-4 Cho bé ăn dặm đúng cách
-5 Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 4, tuần 3

Theo GDVN

Comments