Bị viêm xoang kiêng ăn gì?
(Giúp bạn)Chế độ kiêng cữ ăn uống trong điều trị viêm xoang cấp, trái lại rất khuyến khích ăn uống thật nhiều chất bổ dưỡng để hệ miễn dịch cơ thể hoạt động mạnh chống lại vi trùng.
Tôi đi khám các bác sĩ kết luận tôi bị viêm mũi, viêm xoang mạn tính. Nghe nói, bệnh này phải kiêng dùng một số thực phẩm có đúng không? Bị viêm xoang nên kiêng ăn gì?
(Trần Hải - Quảng Ninh)
Bị viêm xoang không có chế kiêng cữ ăn uống
Trả lời trên báo Tuổi trẻ Ts.Bs Nguyễn Trương Khương cho biết, về thời gian, người ta chia viêm xoang thành ba loại: viêm xoang cấp tính là viêm xoang xảy ra trong vòng một tháng; viêm xoang bán cấp là viêm xoang kéo dài 1-3 tháng; viêm xoang mãn tính là viêm xoang kéo dài trên ba tháng.
Nguyên nhân của bệnh ban đầu thường do virus sau đó có sự bội nhiễm của vi trùng. Khi bị viêm xoang cấp, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, chảy mũi xanh hoặc vàng, nghẹt mũi, ho có đàm, người uể oải, mệt mỏi. Khi chụp phim CT hoặc X-quang sẽ thấy niêm mạc mũi xoang phù nề hoặc có chứa dịch trong xoang.
Việc điều trị viêm xoang cấp sẽ bao gồm kháng sinh phù hợp trong trường hợp có nhiễm trùng, tan đàm, kháng viêm, giảm đau hạ sốt, thuốc co mạch nhỏ mũi. Tùy theo từng trường hợp nặng nhẹ mà việc điều trị có thể kéo dài 7-10 ngày hoặc 14 ngày.
Không có chế độ kiêng cữ ăn uống trong điều trị viêm xoang cấp, trái lại rất khuyến khích ăn uống thật nhiều chất bổ dưỡng để hệ miễn dịch cơ thể hoạt động mạnh chống lại vi trùng, trong các trường hợp dùng kháng sinh lâu ngày rất nên bổ sung thêm men tiêu hóa bằng cách ăn sữa chua hoặc uống thêm men tiêu hóa. Tuy nhiên bạn cần nên cữ các loại thức ăn mà theo bạn có thể gây dị ứng cho mình, vì như thế sẽ làm kéo dài thời gian mắc bệnh.
Theo báo Thanh niên, trước hết cần phân biệt giữa viêm xoang mũi và viêm mũi dị ứng. Viêm xoang mũi có thể cấp tính và mạn tính. Viêm xoang mũi là màng dính của xoang mũi bị vi khuẩn hoặc cảm nhiễm tà khí (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) dẫn đến chứng viêm cấp tính có tính hóa mủ.
Nếu không chữa trị, chữa không đúng sẽ dẫn đến viêm xoang mủ mạn tính. Viêm xoang mũi cấp tính thì thường phần trán, gò má đau liên tục, chảy nước mũi, hai mắt mệt mỏi, chảy nhiều nước mắt... Còn viêm xoang mũi mạn tính thường xuyên nghẹt mũi, chảy nước mũi đặc, đau trán và gò má...
Hằng ngày uống nhiều nước, ăn nhiều rau tươi, quả tươi có nhiều vitamin C và khoáng chất để phân tiết màng dính, hoãn giải áp lực xoang mũi bị tắc, nghẹt. Ăn thức ăn chứa nhiều vitamin A và E để tăng cường sức đề kháng như cà rốt, gấc, củ cải, đậu đao, bạc hà...
Còn viêm mũi dị ứng là do vật kích thích (phấn hoa, bụi bẩn, lông thú, hóa chất, cá, tôm...). Viêm mũi dị ứng có 4 triệu chứng điển hình là: ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi.
Viêm mũi dị ứng thì không ăn thức ăn tanh, lạnh, béo ngậy như cá, tôm, đồ hải sản, thịt mỡ. Nên dùng những thức ăn có tính ấm như gừng, hành, tỏi, hẹ, các cây gia vị có tinh dầu như rau mùi, bạc hà, ngổ, rau thơm, thì là, tía tô... Ăn những thức ăn ấm và bổ phế như củ từ, táo tàu, nhãn, đường đỏ.
Tr.Tuyển
Theo GDVN