Trẻ bị nôn ói: Cách chăm sóc và dấu hiệu phải đưa con đi viện

16:01 14/04/2015

(Giúp bạn)Trẻ bị nôn ói khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy khi nào, cha mẹ phải đưa con đi viện và cần đến bác sĩ?

Nôn ói là vấn đề hay gặp ở trẻ em, thường là nhẹ và xảy ra cấp tính, hiếm khi bệnh có thể nặng và đe dọa tính mạng.

Khi nôn ói, cơ bụng và cơ thành ngực co lại, đẩy dịch trong dạ dày lên thực quản và trào ra miệng. Việc này xảy ra khi dây thần kinh trong não nhạy cảm với một số kích thích như: ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng dạ dày - ruột, thuốc, chuyển động...

Nguyên nhân gây ói:  Nguyên nhân gây ói tùy thuộc vào tuổi của trẻ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi (<12 tháng tuổi)

Theo Ths.Bs Nguyễn Diệu Vinh - Khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2 cho biết, khó phân biệt trẻ trớ sữa do trào ngược hay ói, vì một số trường hợp trẻ trớ sữa nhiều và mạnh.

Trẻ ói mạnh có thể là biểu hiện của bệnh nặng, cần được thăm khám ngay. Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn hoặc hẹp dạ dày (hẹp môn vị) hay tắc ruột.

Trẻ cũng có thể ói do nhiễm trùng tại ruột hay các nơi khác của cơ thể. Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, nếu sốt 38º C hoặc hơn, có hoặc không kèm ói,  cần được thăm khám ngay.

-1

Trẻ bị nôn ói: Cách chăm sóc và dấu hiệu phải đưa con đi viện

Trẻ > 12 tháng

Nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng hệ tiêu hóa, thường do siêu vi. Ói thường xảy ra đột ngột và hết nhanh trong vòng 24 giờ. Bệnh thường kèm các triệu chứng khác như: nôn, tiêu chảy, sốt và đau bụng.

Nhiễm trùng hệ tiêu hóa có thể xảy ra sau khi ăn thức ăn nhiễm trùng hoặc do trẻ ngậm các đồ vật bị nhiễm khuẩn. Bệnh lây lan nhanh, giữ vệ sinh, đặc biệt là rửa tay giúp phòng bệnh.

Một số bệnh khác gây nôn ói ở trẻ nhỏ như: trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh loét, tắc ruột, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.

Chăm sóc trẻ nôn và ói tại nhà

Theo dõi dấu hiệu mất nước

Mất nước có thể xảy ra khi trẻ nôn và ói. Các dấu hiệu mất nước nhẹ bao gồm: môi khô nhẹ, khát nước. trẻ mất nước nhẹ không cần đến khám ngay nhưng cần theo dõi các dấu hiệu mất nước nặng hơn. Các dấu hiệu mất nước nặng hơn bao gồm: môi khô, khóc không có nước mắt, không tiểu trong vòng 6 giờ, mắt trũng. Trẻ có các dấu hiệu này cần đến khám ngay.

Chế độ ăn: Cần tiếp tục cho trẻ ăn chế độ ăn dễ tiêu, tiếp tục cho bú mẹ nếu trẻ đang bú.

Bù nước: Dùng dung dịch Oresol, vì an toàn, rẻ, hiệu quả, dễ sử dụng.

Dung dịch Oresol không gây ói, nhưng giúp phòng ngừa và điều trị mất nước do các bệnh lý gây ói. Nếu trẻ không chịu uống hay ói ngay sau khi uống dung dịch oresol, quý phụ huynh cần theo dõi sát các triệu chứng mất nước nặng hơn.

-2

Trẻ ói mạnh có thể là biểu hiện của bệnh nặng, cần được thăm khám ngay

Phòng ngừa lây lan: Trẻ ói thường do siêu vi, vi trùng dễ lây nhiễm nên cần cẩn thận khi chăm sóc trẻ, tránh lây lan cho bản thân người chăm sóc, gia đình và bạn bè. Rửa tay thường xuyên và giữ trẻ ở nhà cho đến khi trẻ hết ói 24 giờ.

Dấu hiệu phải đưa trẻ đi viện

Trẻ ói dịch mật (xanh) hoặc máu (đỏ hoặc nâu).

Trẻ nhỏ ói kéo dài hơn 24 giờ.

Trẻ không ăn hoặc uống được trong vài giờ.

Trẻ có mất nước: môi khô, khóc không có nước mắt, không tiểu trong vòng 6 giờ.

Đau bụng nhiều.

Sốt > 38.4ºC hơn 3 ngày hoặc ngay khi trẻ sốt > 39ºC

Trẻ lừ đừ, ngủ gà.

Theo GDVN

Comments