Các nhóm thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
(Giúp bạn)Điều trị nhồi máu cơ tim gồm nhiều biện pháp, tuy nhiên, dù áp dụng biện pháp nào cũng không thể thiếu được các thuốc.
Trên Vnexpress, TS.BS Nguyễn Hoàng Định - ThS.BS Võ Tuấn Anh, Trung tâm Tim mạch BV ĐH Y dược TP HCM cho biết, biểu hiện điển hình thường gặp ở bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim là có cảm giác đau căng và thắt chặt ở giữa ngực, sau đó lan tỏa đến cánh tay, vai, cổ, răng, hàm, vùng bụng. Triệu chứng đi kèm là tim đập mạnh liên hồi, toát mồ hôi, buồn nôn, khó thở, mặt tái nhợt, chóng mặt và bất tỉnh.
Các dấu hiệu và triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới, vùng bị tổn thương và các bệnh đi kèm.
Nguy hiểm hơn, có những bệnh nhân gặp phải cơn nhồi máu cơ tim thầm lặng, không có triệu chứng rõ ràng và mệt mỏi không rõ nguyên nhân. Những trường hợp này xảy ra chủ yếu ở người già, phụ nữ hoặc người bị đái tháo đường.
Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do sự hình thành cục máu đông bên trong lòng mạch máu làm tắc mạch vành này. Với một lòng mạch bình thường, cục máu đông rất khó xuất hiện. Chỉ khi có các yếu tố như cholesterol và các thành phần mỡ máu khác lắng đọng, thành mạch vành mới hình thành các mảng vữa xơ.
Các mảng vữa này được phủ bên ngoài bởi nội mạc mạch vành đã tổn thương. Khi lớp nội mạc bị bung ra, các thành phần của mảng xơ vữa sẽ tiếp xúc với máu và kích hoạt quá trình hình thành cục máu đông và làm tắc mạch vành. Như vậy, nguồn gốc của vấn đề chính là sự hình thành của các mảng xơ vữa.
Ngoài ra, một số các yếu tố nguy cơ làm tăng sự xuất hiện của mảng xơ vữa là hút thuốc lá, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tiền căn gia đình có người mắc các bệnh tim mạch sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi).
Điều trị nhồi máu cơ tim bằng thuốc
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, điều trị nhồi máu cơ tim (NMCT) gồm nhiều biện pháp, tuy nhiên, dù áp dụng biện pháp nào cũng không thể thiếu được các thuốc. Có thể chia các thuốc điều trị NMCT thành các nhóm sau:
Các thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu
- Acid salicylic (biệt dược aspirin): Nên sử dụng aspirin càng sớm càng tốt, tốt nhất là ở phòng cấp cứu ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán NMCT cấp. Dùng đường tĩnh mạch hoặc đường uống với liều cao có thể tạo ra hiệu quả điều trị nhanh chóng. Sau đó nên tiếp tục điều trị kéo dài (trừ khi có chống chỉ định).
- Thienopyridine: Các thuốc ức chế tiểu cầu bao gồm ticlopidine clopidogrel có tác dụng ngăn cản quá trình hoạt hóa tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành huyết khối. Thuốc được chỉ định dùng càng sớm càng tốt, ngay khi có các cơn đau thắt ngực. Đây là thuốc bắt buộc dùng trước và sau can thiệp nong động mạch vành và đặt giá đỡ (stent).
Thuốc ức chế thụ thể glycoprotein IIb/IIIa của tiểu cầu
Các thuốc ức chế thụ thể glycoprotein IIb/IIIa của tiểu cầu như (abciximab, eptifibatide, tirofibran…) có tác dụng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu. Do vậy, nhóm thuốc này rất lý tưởng để điều trị NMCT cấp.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của thuốc này là giá thành còn rất đắt.
Các thuốc chống đông
- Heparin thường: Trong lâm sàng, heparin được dùng để phòng quá trình lan rộng của huyết khối, ngăn ngừa xuất hiện huyết khối mới, huyết khối đại tuần hoàn và phòng tắc lại ĐMV. Heparin cũng ngăn cản hình thành cục máu đông bền vững do ức chế các yếu tố làm ổn định fibrin.
Khi sử dụng heparin, bệnh nhân cần phải được theo dõi chặt chẽ các chỉ số đông máu để điều chỉnh liều thuốc phù hợp, nếu quá liều có thể gây biến chứng chảy máu.
- Heparin trọng lượng phân tử thấp: Heparin trọng lượng phân tử thấp có tác dụng gần giống như heparin thường, nhưng có ưu điểm là không cần phải thường xuyên xét nghiệm để đánh giá tác dụng chống đông. Do vậy, việc sử dụng đơn giản hơn, tác dụng kéo dài hơn.
Ngoài ra, thuốc ít gây tai biến giảm tiểu cầu hơn so với heparin thường. Các thuốc hay dùng là lovenox, fraxiparin.
Nhóm thuốc nitrate
Tác dụng chủ yếu của các thuốc nhóm này là gây giãn tĩnh mạch ngoại vi dẫn đến giảm lượng máu về tim kết hợp với giãn các tiểu động mạch dẫn đến giảm sức cản ngoại vi, làm giảm tiêu thụ ôxy của cơ tim.
Đối với động mạch vành, thuốc cũng có tác dụng giãn động mạch do vậy chống được hiện tượng co thắt mạch vành. Thuốc còn có tác dụng làm tăng cường tuần hoàn bàng hệ tới các khu vực cơ tim bị thiếu máu.
Khi bị NMCT, ngay khi xuất hiện đau thắt ngực, cần dùng ngay loại xịt hoặc ngậm dưới lưỡi, tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được sử dụng nitroglycerin dạng tiêm tĩnh mạch bằng bơm tiêm điện với liều khởi đầu thấp và tăng dần tùy theo đáp ứng của bệnh nhân.
Thuốc chẹn thụ thể bêta giao cảm
Chẹn thụ thể bêta giao cảm là nhóm thuốc đối kháng cạnh tranh với các chất giao cảm, làm giảm tần số tim, giảm sức co bóp của cơ tim, do đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ ôxy của cơ tim và góp phần làm giảm sự lan rộng vùng hoại tử cơ tim.
Ngoài ra, các thuốc này còn có tác dụng phòng và làm giảm tai biến loạn nhịp ngoại tâm thu thất. Nhóm thuốc này không được dùng trong các trường hợp: nhịp chậm, tụt huyết áp, blốc nhĩ thất mức độ cao, hen phế quản, suy tim hoặc choáng tim.
Thuốc điều chỉnh rối loạn lipid máu
Chủ yếu là các thuốc thuộc nhóm statin, các thuốc này không những làm giảm các biến cố tim mạch ở bệnh nhân có rối loạn lipid máu mà còn giảm các biến cố này ở cả bệnh nhân không có rối loạn lipid máu. Do vậy, ngay cả khi các xét nghiệm về mỡ máu cho giá trị bình thường thì việc sử dụng thuốc cũng là hết sức cần thiết.
Thuốc chẹn (ức chế) kênh canxi
Các thuốc này được chia làm 2 nhóm có chống chỉ định khác nhau; đó là nhóm dihydropyridin và nhóm non dihydropyridin. Nhóm non dihydropiridin có tác dụng gây giảm sức co bóp của tim, chậm nhịp tim, do vậy cần tôn trọng chặt chẽ các chống chỉ định của nhóm thuốc này.
Thuốc ức chế men chuyển
Các thuốc nhóm này không những có tác dụng hạ huyết áp mà còn có tác dụng chống rối loạn chức năng thất trái, chức năng nội mạc mạch máu ở bệnh nhân sau NMCT do vậy làm giảm được các biến cố suy tim, NMCT tái phát sau nhồi máu.
Do vậy, thuốc được chỉ định sớm ngay khi bị NMCT. Nhược điểm hay gặp nhất của các thuốc nhóm này là triệu chứng ho. Nếu ho ít mà bệnh nhân có thể chịu đựng được thì vẫn nên cho bệnh nhân dùng thuốc. Thuốc nên được dùng bắt đầu bằng liều thấp sau đó tăng dần liều tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
Các thuốc tiêu sợi huyết (tiêu cục huyết khối)
Như trên đã nói, các thuốc chống đông chỉ có tác dụng ngăn chặn không cho cục huyết khối hình thành hoặc lan rộng. Thuốc không có tác dụng trực tiếp trên cục huyết khối do vậy chỉ là thuốc dự phòng. Các thuốc tiêu cục huyết khối có tác dụng điều trị vì nó làm mất đi sự cản trở cơ học, làm tái lưu thông lại ĐMV để cung cấp máu trở lại cho vùng cơ tim bị thiếu máu trước đó.
Muốn đạt hiệu quả tối ưu, phải dùng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt (không dùng thuốc nếu NMCT đã quá 12 giờ) dựa trên những tiêu chuẩn về điện tim mà không cần đợi các kết quả về men tim.
Hiệu quả của điều trị phụ thuộc vào thời gian từ khi khởi phát đau ngực đến khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết. Chính vì vậy phải dùng thuốc tiêu sợi huyết càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, mặc dù dùng sớm và đúng chỉ định thì thuốc cũng chỉ làm mở thông được khoảng 1/2 các động mạch thủ phạm gây NMCT.
Do vậy, ngày nay việc điều trị sớm NMCT cấp chủ yếu dựa vào can thiệp nong động mạch vành và đặt giá đỡ kết hợp với điều trị bằng các nhóm thuốc trên, phương pháp này cho kết quả tốt hơn cả về tỷ lệ sống cũng như hạn chế được các biến chứng lâu dài khác của NMCT.
Thuốc tham khảo: Vasotrol - Dự phòng cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành. - Điều trị suy tim nặng, tăng HA động mạch phổi. |
Thùy Linh
Theo GDVN