Các thuốc được và không được dùng khi bị sốt xuất huyết
(Giúp bạn)Dùng thuốc khi bị sốt xuất huyết nhằm lập lại thăng bằng, chống lại các triệu chứng bất lợi. Nhưng nếu dùng không đúng thuốc, không đúng cách thì sự rối loạn ấy sẽ tiến triển theo hướng xấu, khiến bệnh trầm trọng thêm.
Thuốc nào được và không được dùng khi bị sốt xuất huyết?
Theo Sức khỏe và Đời sống, sốt xuất huyết gây ra các rối loạn, đặc biệt ở mạch máu - máu. Dùng thuốc nhằm lập lại thăng bằng, chống lại các triệu chứng bất lợi. Nhưng nếu dùng không đúng thuốc, không đúng cách thì sự rối loạn ấy sẽ tiến triển theo hướng xấu, khiến bệnh trầm trọng thêm.
+ Dùng thuốc hạ nhiệt
Chỉ dùng paracetamol: Paracetamol độc với gan, thận nhưng tính độc này chỉ xảy ra khi dùng liều rất cao (15g/ngày với người lớn) và hoặc/ lâu dài hay khi dùng cùng với nhiều rượu (rượu làm cạn kiệt nguồn glutathion để chuyển hóa paracetamol thành chất không độc).
Còn khi dùng với liều điều trị (thấp hơn nhiều so với liều trên) trong thời gian ngắn (2-5 ngày để hạ sốt) thì paracetamol không gây độc cho cả người lớn lẫn trẻ em.
+ Không được dùng aspirin
Trong SXH có hiện tượng chảy máu. Aspirin ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên làm cho việc chảy máu do SXH gây ra không cầm được (nhất là xuất huyết đường tiêu hóa). Kết quả làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Do vậy, trong SXH, không được dùng aspirin cho cả người lớn và trẻ em. Riêng với trẻ em càng đặc biệt chú ý việc cấm này vì: aspirin là yếu tố thúc đẩy gây hội chứng Reye (phù não và suy gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tử vong khoảng 30-50%, nếu sống sót cũng để lại di chứng tổn thương não vĩnh viễn).
Aspirin làm tăng độ acid (vốn thấp ở dạ dày trẻ), gây bỏng rát viêm đường tiêu hóa, nặng hơn gây xuất huyết đường tiêu hóa.
+ Không dùng kháng viêm không steroid
Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như aspirin nhưng các kháng viêm không steroid đều có tính này (với các mức khác nhau) nên cũng làm cho việc chảy máu trong SXH không cầm được. Do vậy không dùng chúng trong SXH.
+ Dùng dịch truyền
- Ưu tiên bù dịch bằng đường uống: Người bệnh SXH rất nhạy cảm, dễ bị sốc phản vệ. Nếu SXH ở độ I đầu độ II cần ưu tiên bù dịch bằng đường uống (oresol).
- Chỉ truyền dịch khi cần thiết: Khi SXH ở cuối độ II hay đầu độ III, huyết tương thoát ra ngoài mạch nhiều, thể tích máu trong lòng mạch giảm sút, sốt cao làm mất nước, làm cho sự giảm sút này tăng thêm, máu bị cô đặc lại, huyết áp tụt xuống, tim nhanh dẫn đến trụy tim mạch cho nên cần truyền dịch. Dịch bị mất trong trường hợp này là "mất nước nhiều hơn mất muối" nên dung dịch truyền phải chứa ít muối.
+ Không cần dùng kháng sinh
Dùng kháng sinh nhằm làm yếu virut, tạo điều kiện thuận lợi cho kháng thể tiêu diệt virut bằng cách thực bào. Trong SXH, kháng thể tiêu diệt trái lại làm cho virut phát triển (như nói trên) nên việc dùng kháng sinh không có ý nghĩa.
Hơn nữa, trong SXH, máu bị cô đặc, dùng nhiều kháng sinh bao vây sẽ làm cho nồng độ kháng sinh máu cao, dễ gây tai biến.
Cách phòng tránh sốt xuất huyết
Báo Tuổi trẻ Online đưa tin, cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết như sau:
+ Diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng) và phòng chống muỗi đốt.
+ Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:
- Thả cá hoặc mê zô vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy (lăng quăng).
- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.
- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa (bình bông).
+ Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.
+ Phòng chống muỗi đốt:
- Mặc quần áo dài tay.
- Ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày.
- Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
- Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.-
- Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt.
Thùy Linh
Theo GDVN