Cách điều trị bệnh hạt cơm

15:48 14/04/2015

(Giúp bạn)Hạt cơm có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên da, niêm mạc, cơ quan sinh dục, vùng hậu môn... và gồm các dạng chính là mụn cóc thường, mụn cóc lòng bàn chân, bàn tay, mụn cóc phẳng.

Bệnh hạt cơm: càng gãi càng dễ lây lan

Trao đổi trên Trí thức trẻ, BS Huỳnh Huy Hoàng (BV Da liễu TP HCM) cho hay, bệnh hạt cơm hay còn gọi là mụn cơm, mụn cóc là một bệnh ngoài da gây ra do một loại virus có tên Papovavirus, thuộc nhóm HPV (human papillomavirus) gây ra. Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt hằng ngày.

Hạt cơm có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên da, niêm mạc, cơ quan sinh dục, vùng hậu môn... và gồm các dạng chính là mụn cóc thường, mụn cóc lòng bàn chân, bàn tay, mụn cóc phẳng.

Dạng hạt cơm thông thường là một hoặc nhiều cục sẩn cứng nhô trên da, mặt sần sùi, màu xám, hình tròn, kích thước từ 2mm - hơn 10mm. Nó có thể gặp bất cứ vùng nào trên da, thường gặp ở tay, chân. Khi hạt cơm mọc ở dưới lòng bàn chân, dưới móng tay, móng chân sẽ gây đau nhói khi đụng vào.

Dạng hạt cơm phẳng là những sẩn nhỏ hơi nhô cao trên mặt da, kích thước 1-5mm, màu vàng nâu, hình tròn, bề mặt trơn láng. Loại hạt cơm này lây lan nhanh nên thường có nhiều. Đôi khi nó thành vệt dài, vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt, cổ…

Theo BS Huỳnh Huy Hoàng, bệnh hạt cơm rất dễ lây lan. Bệnh có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với da qua những tổn thương nhỏ trầy xước hoặc cào, gãi dễ tạo điều kiện do virus xâm nhập. Gián tiếp qua trung gian thường ngày như đồ dùng, áo quần, giày dép...

Những hạt cơm ở gan bàn chân có thể lây do đi chung giày dép, bít tất. Nếu bệnh nhân gãi hoặc chà xát sẽ tạo thành vệt lan theo đường gãi, gây nhiễm trùng da.

Với các bệnh nhân nữ có thói quen cạo lông chân, có thể làm lây lan các mụn dày đặc... Những người bị suy giảm miễn dịch như bị bệnh AIDS, ghép tạng… dễ bị hạt cơm nhiều và lan rộng hơn.

Điều trị và phòng bệnh

Theo Sức khỏe và đời sống, vì chưa có một phương pháp điều trị nào có thể đảm bảo khỏi bệnh hay tránh được tái phát nên việc điều trị chỉ nhằm mục đích tạo ra những khoảng thời gian “không có hạt cơm” càng lâu càng tốt mà không tạo sẹo.

Ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, mục đích của điều trị khiêm tốn hơn, là chỉ kiểm soát được kích thước và số lượng của hạt cơm.

Các phương pháp loại bỏ mụn hạt cơm gồm:

Dùng nitrogen lỏng áp dụng trong 5 - 15 giây với hai chu kỳ lạnh - bớt lạnh, điều trị hai tuần một lần, nhưng cần thực hiện bởi thầy thuốc chuyên khoa để tránh quá mức có thể gây sẹo. Nitrogen lỏng có thể gây mất sắc tố đối với những người da màu.

-1

Bệnh hạt cơm (ảnh minh họa)

Phương pháp này có hiệu quả với các mụn cơm khô ở dương vật và mụn cơm thành dải ở mặt và trên cơ thể. Nên dùng nitrogen lỏng điều trị các tổn thương ở mu bàn chân, trái lại không nên dùng điều trị các tổn thương ở lòng bàn chân và các vùng chịu lực khác vì có thể dẫn tới đau đớn và làm rộp da tạm thời.

Dùng nitrogen lỏng để chữa Condyloma nhưng nên chia nhỏ các tổn thương quanh hậu môn sau đốt điện sẽ có hiệu quả hơn. Các sản phẩm của acid salicylic có thể dùng để điều trị các mụn cơm thông thường hay các mụn cơm ở lòng bàn chân.

Mụn cơm ở lòng bàn chân có thể được điều trị bằng cách cắt bớt mụn cơm, sau đó bôi acid salicylic 40% rồi băng lại, có thể để băng trong 5 ngày rồi bỏ đi, tiếp tục làm như thế trong hàng tuần hay hàng tháng để trừ hẳn mụn cơm. Phương pháp này an toàn, hiệu quả và hầu như không có tác dụng phụ.

Liệu pháp miễn dịch: dùng dinitrochlorobenzen (DNCB) có thể có hiệu quả trong các trường hợp mụn cơm kháng thuốc. Việc sử dụng dài ngày các thuốc bôi gây kích thích có thể chữa mụn cơm bằng cách tăng cường các kháng thể chống mụn cơm không đặc hiệu.

Retinoid: dùng kem hoặc gel tretinoin (Retin-A) bôi hai lần mỗi ngày có thể có hiệu quả đối với các mụn cơm ở mặt hoặc các mụn cơm ở vùng râu. Các mụn cơm lan rộng có thể biến mất nếu uống etretinat trong 1 tháng.

Phẫu thuật: các mụn cơm ở lòng bàn chân có thể được cắt bỏ  bởi kỹ thuật loại bỏ bằng kim chuyên dụng hoặc tiêm thuốc tê tại gốc mụn cơm, sau đó cắt bỏ mụn. Việc cắt bỏ mụn cơm dù sao cũng có thể gây ra sẹo trên chân và nên hạn chế dùng.

Liệu pháp laser: dùng laser CO2 đặc biệt có hiệu quả để điều trị mụn cơm tái phát, mụn cơm dưới móng, mụn cơm gan bàn chân.

Phòng bệnh: cần tránh tiếp xúc với hạt cơm.  Khi bị hạt cơm  không nên cào xước hay gây tổn thương vùng bị bệnh. Hạt cơm ở vùng hậu môn sinh dục có thể lây nhiễm qua đường tình dục, cho nên phải dùng bao cao su để tránh nguy cơ lây  bệnh.

Tham khảo thuốc: Vitamin C

Phòng và điều trị bệnh do thiếu Vitamin C. Methemoglobin huyết vô căn khi không có sẵn xanh methylen.

Tú Liên

Nên đọc
-2 Bệnh hạt cơm: Nguyên nhân, biểu hiện của bệnh
-3 Những thói quen xấu gây hại cho tay và ảnh hưởng đến sức khỏe
-4 Những thực phẩm giúp nhanh mọc tóc
-5 Trẻ em không nên dùng thuốc Recotus

Theo GDVN

Comments