Cách đơn giản giúp tăng độ bền trí óc
(Giúp bạn) - Cuộc sống với nhiều lo toan và áp lực sẽ có lúc khiến bạn trở nên “rối như tơ nhện” giữa quá nhiều việc phải làm, nhiều mục tiêu phải hoàn thành. Đến một lúc, điều duy nhất bạn có thể làm là… tạm “trốn” việc vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên, đó không phải là phương pháp lâu dài, điều bạn cần là tập trung hơn để có thể lần lượt giải quyết từng vấn đề. Bạn phải làm sao với khả năng tập trung đang ngày một “xuống cấp” đây?
- 1
Nguyên tắc “thêm 5 lần”
Có 2 tuýp người: những người học được cách chọn công việc dù phải bỏ qua sự “quyến rũ” của những điều thú vị hơn, và tuýp thứ 2 là những người ước mình có được sự kiên quyết đó. Nếu bạn đang ở trong tình trạng vẫn phân vân giữa công việc và sở thích của mình, hãy thử thực hiện nguyên tắc Thêm 5 lần.
Đọc thêm 5 trang sách nữa, viết thêm 5 hóa đơn nữa, làm việc thêm 5 phút nữa… Nếu như những vận động viên nâng cao sức chịu đựng bằng cách cố gắng luyện tập vượt ngưỡng chịu đựng vật lý thông thường, bạn cũng có thể rèn khả năng chịu đựng cho tinh thần khi cố gắng làm thêm 5 lần việc đã khiến bạn chán, dù có bộ phim hay hoặc lời rủ rê của bạn bè đi dạo phố. Những vận động viên điền kinh chiến thắng bởi họ vẫn gắng chạy dù cơ thể họ đã “lên tiếng” thông qua sự mỏi mệt cơ bắp. Tương tự, khi bạn cố gắng tập trung làm việc thêm 5 phút khi trí óc đã “mệt” thì đây là chìa khóa để não bạn kéo dài sự chú ý và dần sẽ xây dựng được “độ bền” trí óc.
- 2
Chỉ suy nghĩ đến 1 việc
Bạn có từng nghe đến sự phân tán của suy nghĩ chưa? Bạn đang cần tập trung nghĩ về công việc, nhưng trí óc bạn lại “lái” sang chuyện cuối tuần này đi chơi ở đâu. Và bạn lại “bắt” não mình phải nghĩ đến chuyện đi chơi ít hơn để dành sự tập trung cho công việc, kết quả là bạn lại chỉ toàn nghĩ đến chuyện đi chơi! Hãy tạo một thỏa thuận với não của mình thay vì ép buộc nó, hãy đặt ra cho não nhiệm vụ nghĩ đến 1 vấn đề cụ thể với thời gian bắt đầu – kết thúc rõ ràng.
Ví dụ bạn đang quá hào hứng cho chuyến đi chơi cuối tuần, bạn hãy “ra chỉ thị”: mình sẽ nghĩ về chuyện này thêm 15 phút nữa, đồng hồ chỉ số 3 là mình tạm dừng. Hoặc bạn đặt kế hoạch “tối nay từ 7h – 8h mình sẽ lên mạng tìm thông tin bổ sung cho kế hoạch sếp vừa giao, sau đó sẽ xem phim rồi đi ngủ”. Với sự sắp xếp thứ tự và thời gian cụ thể, não của bạn sẽ giảm bớt sự phân tán vì các suy nghĩ không “chen lấn” nhau nữa. Nếu vẫn chưa thể cải thiện tình hình, bạn hãy viết ra giấy những việc bạn cần phải nhớ, phải nghĩ để giúp não bạn được “trống” để tập trung làm việc theo danh sách bạn vừa ghi ra trên giấy.
- 3
Chiến thắng sự chần chừ
Bạn cảm thấy mình không thể tập trung làm việc, nhưng đang có việc chờ bạn hoàn thành? Có khi nào bạn tự tính xem mất bao lâu để bạn hoàn thành 1 việc trong tình trạng thiếu tập trung? Thay vì “dùng dằng” như thế, bạn hãy tự hỏi mình 3 câu:
a/ Mình có nhất định phải giải quyết việc này không?
b/ Có phải mình càng muốn làm việc thì đầu óc mình càng không tập trung không?
c/ Nếu để lúc khác làm thì mình có giải quyết nhanh hơn không?
Những câu hỏi này sẽ khiến bạn phải đối mặt với vấn đề rằng công việc cần phải giải quyết, chừng nào bạn còn chần chừ thì nó sẽ còn luẩn quẩn trong đầu bạn, tạo cảm giác cảm có lỗi và không yên. Cách duy nhất để thấy nhẹ nhõm là tập trung giải quyết việc này, tránh mất nhiều thời gian hơn nữa.
Không dễ dàng gì để đưa bản thân vào “vòng kim cô” của nguyên tắc, tập trung vào việc gì đó khi có những thứ khác làm phân tán đầu óc cũng là một yêu cầu cao đối với bạn khi có quá nhiều việc phải làm. Nhưng hãy so sánh thời gian bạn tiêu phí khi nghĩ quá nhiều thứ mà không việc nào hoàn thành được với việc cố gắng tập trung giải quyết dứt điểm từng thứ, bạn sẽ thấy mình có lợi thế nào khi luyện tập để nâng cao khả năng tập trung của mình.