Cách khắc phục 8 chứng bệnh dân văn phòng hay gặp
(Giúp bạn)Hội chứng ống cổ tay do rê chuột máy tính, các chứng bệnh liên quan đến xương, khớp, cột sống do tư thế ghế ngồi, khô mắt do nhìn chằm chằm vào màn hình... là những triệu chứng mà người làm văn phòng hay gặp phải.
- 1
Ghế ngồi không đúng tư thế dẫn đến những vấn đề về xương, khớp:
Joanna Lim cho biết, có đến 60% bệnh nhân mắc các chứng rối loạn cơ, xương, khớp (đau lưng, vai, và cổ) là người làm văn phòng.
"Thủ phạm" chính được xác nhận đó là chiếc ghế làm việc không đúng quy cách. Thiết kế của chiếc ghế sẽ dẫn đến tư thế ngồi sai, làm tăng trọng lượng chịu đựng lên cột sống và cơ bắp của bạn. Về lâu dài sẽ dẫn đến trẹo khớp và chèn ép dây thần kinh cột sống.
Vì thế để hạn chế tác động tiêu cực này, hãy chọn một chiếc ghế sao cho khi ngồi, mông của bạn được thoải mái và có một khoảng trống ở hai bên hông. Ngoài ra ghế cần phải linh hoạt và có phần tựa lưng ở phía sau.
Thêm vào đó bạn gần nhớ nguyên tắc 20-20 khi ngồi làm việc. Tức là cứ 20 phút ngồi liên tục thì đứng lên 20 giây và thực hiện động tác vươn người hoặc lắc lư cơ thể. "20 giây rời khỏi chiếc máy tính cũng giúp bạn giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi đồng thời giúp cơ thể tăng cường lưu thông máu", Alan Hedge, giáo sư tiến sĩ đại học Cornell nói.
- 2
Ăn uống tại bàn làm việc và nguy cơ phát tán vi khuẩn:
Những người thường xuyên ăn uống ngay trên bàn làm việc hãy lưu ý rằng: các nhà sinh vật học ở Anh đã ghi nhận chính bàn phím của máy vi tính là "hang ổ" lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Trên thực tế có rất nhiều nơi làm việc được ghi nhận chứa vi khuẩn cao gấp 5 lần so với bồn cầu, mà nguyên nhân phát tán vi khuẩn chính là từ thức ăn mà con người làm vương vãi tại đó.
"Chỉ cần một miếng thức ăn nhỏ xíu rơi xuống bàn phím chính là nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở", tiến sĩ sinh học Mark Enright, Đại học Lon Don nói.
Vì thế tốt nhất là không nên ăn tại bàn làm việc. Hãy ăn uống ở khu vực sinh hoạt chung. Hãy nhớ rửa sạch tay trước và sau khi sử dụng bàn phím để loại bỏ vi khuẩn mà bạn có thể mang từ bàn phím sang bất kỳ nơi đâu.
- 3
Kẹp điện thoại giữa đầu và vai để trò chuyện:
Giữ điện thoại giữa đầu và vai để trò chuyện làm tăng nguy cơ chèn ép cột sống, dây thần kinh và thậm chí gây chứng tai biến nhẹ. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Neurology.
Một người Pháp, 43 tuổi từng bị chứng mù tạm thời, ù tai và cấm khẩu sau khi một tiếng đồng hồ kẹp điện thoại giữa đầu và vai để nói chuyện. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân này bị vỡ động mạch cổ là nơi dẫn truyền máu đến não và mắt.
Sau vụ này, bác sĩ khoa thần kinh Mathieu Zuber, người trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân người Pháp khuyên, mọi người khi nghe điện thoại thì nên bật loa ngoài hoặc chuyển tai khi phải trò chuyện lâu.
- 4
Mỏi mắt vì nhìn chằm chằm vào màn hình:
Hiện tượng căng thẳng và mỏi mắt (mỏi cơ mắt) không phải chỉ do thị lực kém mà nguyên nhân có thể là do mắt bị khô. Nghiên cứu này được công bố bởi các nhà khoa học Nauy. Họ ghi nhận rằng, khi sử dụng máy vi tính, người ta chớp mắt 10 lần mỗi phút, ít so với khi nói chuyện bình thường. Từ đó khiến cho lớp "phim nước mắt" (có nhiệm vụ giữ ẩm ở mặt trước nhãn cầu) bị bốc hơi nước nhanh. Và khi lớp "phim nước mắt" không khỏe thì tầm nhìn của bạn sẽ giảm và không được sắc nét.
Các nhà nghiên cứu khuyên, cứ mỗi giờ làm việc bạn nên nhắm mắt và nghỉ ngơi 3 phút để phục hồi thị lực. "Và nếu sếp có nghi ngờ bạn ngủ gật thì hãy nói với ông ấy rằng bạn cần nghỉ 3 phút để phục hồi lớp 'phim nước mắt'".
- 5
Không khí trong phòng làm việc:
Ngoài tác động xấu đến khả năng tập trung làm việc, bầu không khí không sạch trong văn phòng còn gây ra hàng loạt những vấn đề về sức khỏe.
Nghiên cứu của Viện an toàn lao động và sức khỏe quốc gia Mỹ ghi nhận rằng công nhân làm việc trong các văn phòng có máy điều hòa có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp gấp 2,5 lần so với người làm trong môi trường thông thoáng tự nhiên.
Một câu hỏi đặt ra là làm sao để biết được không khí ở sở làm của bạn tốt hay xấu? Hãy để ý nếu cơ thể mình nếu bạn cảm thấy các triệu chứng sức khỏe tồi tệ vào cuối ngày hoặc suốt tuần làm việc trong môi trường máy điều hòa khép kín thì có thể là do môi trường tại sở làm đang tàn phá hệ miễn dịch trong cơ thể bạn.
Vì thế thỉnh thoảng nên mở cửa sổ phòng làm việc ra để không khí được lưu thông. Còn nếu không có điều kiện thì lâu lâu nên ra ngoài đi lại để hít thở khí tự nhiên (không nên hút thuốc). Hơn việc đi lại cũng giúp tăng khả năng tập trung làm việc của bạn.
- 6
Quá tải điện từ:
Máy vi tính, điện thoại, máy photocopy, bộ phát sóng wifi và tất cả những thiết bị điện đặt dưới chân sẽ tạo ra lớp điện từ bao vây bạn. Từ đó nhiều người làm văn phòng thường xuyên than phiền rằng họ cảm thấy đau đầu, nhức mỏi và bị kích ứng da, mắt khi làm việc.
Có một cách hạn chế tình trạng này là dùng một thiết bị trung hòa ion trong không khí. Nếu công ty không có điều kiện mua máy trung hòa ion quy mô công nghiệp thì mỗi nhân viên cũng có thê tự trang bị một thiết bị mini cũng với tính năng tương tự mà giá cũng tương đối mềm trên thị trường.
- 7
Căng thẳng với đồng nghiệp:
Căng thẳng trong công việc thường thấy ở những nhóm đồng nghiệp "ảo" (tức là chỉ giao tiếp với nhau qua email và điện thoại). Một nghiên cứu của công ty máy tính Casio cho thấy, các nhóm nhân viên "ảo" phải bỏ nhiều hơn 4 lần thời gian để xây dựng lòng tin so với những nhóm thường xuyên giao tiếp mặt đối mặt.
Trong một nghiên cứu độc lập của vương quốc Anh còn ghi nhận, năng suất làm việc của những người không có sự tin tưởng lẫn nhau giảm hơn 40%, và chính bản thân họ cũng đối diện với nguy cơ mắc bệnh tim gấp đôi bình thường do căng thẳng với đồng nghiệp.
Vì thế các nhà nghiên cứu khuyên, để công việc được hiệu quả, hãy cố gắng xây dựng lòng tin với đồng nghiệp, có thể bằng một bữa ăn hoặc vài ly rượu nhẹ để nói chuyện với nhau.
- 8
Hội chứng ống cổ tay có thể do sử dụng chuột máy tính:
Làm việc tại bàn giấy nhiều giờ liền là nguy cơ gây ra triệu chứng RSI (chấn thương do căng thẳng lặp đi lặp lại). Tim Hutchful, chuyên viên trị liệu cột sống làm việc tại Anh khuyến cáo, hành động kéo rê chuột vi tính trên bàn cũng làm gia tăng nguy cơ hội chứng RSI.
Vì thế để tự bảo vệ mình Joanna Lim (chuyên gia trị liệu bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Đa khoa Changi) khuyên, bạn nên điều chỉnh ghế sao cho tay vịn của ghế cao ngang tầm với mặt bàn đễ hỗ trợ tốt cho cánh tay cầm chuột. Cần tránh bẻ gập khủy tay khi sử dụng chuột.
"Đừng để cổ tay của bạn tì vào cạnh bàn vì nó có thể chèn ép các dây thần kinh ở cổ tay (gây ra hội chứng ống cổ tay)" bà Joanna Lim nói.