Cần lưu ý độc tính của kháng sinh chloramphenicol
(Giúp bạn)Chloramphenicol là một loại thuốc kháng sinh kìm khuẩn, nó ức chế vi khuẩn phát triển bằng cách ức chế tổng hợp protein.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, Chloramphenicol là kháng sinh đầu tiên được sản xuất tổng hợp trên quy mô lớn. Tuy nhiên, người ta đã nhận ra rằng thuốc có thể gây rối loạn cơ quan tạo máu của con người ở mức nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Từ đó, việc sử dụng thuốc bị suy giảm. Tới nay đã có nhiều chế phẩm thuốc chloramphenicol được đưa vào sử dụng với mức độ an toàn hơn.
Thuốc kháng sinh được Chloramphenicol được điều trị trong bệnh gì?
Chloramphenicol là một loại thuốc kìm khuẩn, nó ức chế vi khuẩn phát triển bằng cách ức chế tổng hợp protein. Chloramphenicol có phổ kháng khuẩn hiệu quả trong điều trị nhiễm trùng mắt do một số vi khuẩn như Staphylococcus, Streptococcus pneumonia và Escherichia coli. Thuốc không hiệu quả đối với vi khuẩn Pseudomonas aerugiosa.
Ban đầu, chloramphenicol được chỉ định điều trị thương hàn nhưng hiện tại, vi khuẩn Salmonella typhi hầu như đã kháng thuốc nên nó hiếm khi được sử dụng cho loại bệnh này. Do khả năng xâm nhập hàng rào máu não tuyệt vời nên chloramphenicol vẫn là lựa chọn đầu tiên đối với các bệnh áp-xe não do tụ cầu…
Nó có khả năng chống lại 3 vi khuẩn chính gây viêm màng não là Neisseria meningitides, Streptococcus pneumonia và Haemopphilus influenza.
Kháng sinh này cũng có hiệu quả chống lại vi khuẩn Enterococcus faecium, do đó, thuốc được chỉ định trong trường hợp vi khuẩn này đã kháng lại kháng sinh nhóm vancomycin.
Những độc tính do thuốc kháng sinh Chloramphenicol gây ra
Chloramphenicol được bào chế dưới dạng thuốc tiêm (trong điều trị bệnh viêm não), thuốc nhỏ mắt (thuốc mỡ và thuốc nhỏ) để điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn.
Do phần lớn thuốc được chuyển hóa tại gan, do vậy, với những bệnh nhân suy gan, liều dùng phải được điều chỉnh theo nồng độ thuốc trong gan để tránh những nguy hại do thuốc gây ra trên cơ quan này. Thuốc cũng được bài tiết qua thận là chủ yếu, do đó, với bệnh nhân suy thận cũng cần thận trọng khi dùng. Chloramphenicol đi vào sữa mẹ, vì thế, với người đang cho con bú cũng nên tránh sử dụng thuốc này.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng nhất khi sử dụng chloramphenicol là thiếu máu bất sản. Hiệu ứng này tuy hiếm gặp nhưng thường nặng và gây tử vong bởi không có giải pháp và cũng không có cách dự đoán bệnh nhân có thể hoặc không thể gặp phải tác dụng phụ này. Tai biến do độc tính của thuốc có thể xảy ra sau vài tuần hoặc vài tháng khi mà việc sử dụng chloramphenicol đã được dừng lại. Yếu tố phản ứng này cũng có thể liên quan đến di truyền.
Thuốc thiamphenicol là kháng sinh bán tổng hợp từ chloramphenicol không gây ra tai biến này, tuy nhiên, tại Mỹ và châu Âu, thuốc này chỉ được sử dụng trong thú y chứ không được chấp nhận sử dụng ở người.
Tác dụng ức chế tủy xương cũng là một phản ứng có hại của chloramphenicol. Đây là phản ứng độc hại trực tiếp của thuốc trên ty thể tế bào con người. Biểu hiện đầu tiên là giảm mức huyết sắc tố. Hiện tượng thiếu máu có thể được khắc phục nếu dừng thuốc, tuy nhiên, cũng không thể dự đoán được khả năng phát triển của thiếu máu bất sản.
Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu hoặc tủy xương đặc trưng bởi sự gia tăng bất thường của các tế bào bạch cầu non. Đây là một trong những tác dụng độc hại của chloramphenicol, đặc biệt ở trẻ em thì nguy cơ gia tăng của bệnh bạch cầu khi sử dụng thuốc càng cao.
Thời gian sử dụng càng lâu cũng tỉ lệ thuận với nguy cơ mắc bệnh. Hội chứng xám xuất hiện khi sử dụng chloramphenicol đường tĩnh mạch, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh bởi các men gan chưa hoạt động đầy đủ.
Cần tránh dùng với thuốc kháng sinh Chloramphenicol nào?
Chloramphenicol chống chỉ định dùng đồng thời với các thuốc giảm đau tủy xương. Thuốc cũng tăng nồng độ trong gan nếu sử dụng đồng thời với các thuốc như thuốc chống trầm cảm, antiepileptic và thuốc ức chế bơm proton, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc hóa trị liệu ung thư, benzodiazepine, thuốc kháng nấm nhóm azol, thuốc chống trầm cảm ba vòng, kháng sinh macrolid, SSRIs, các statin và thuốc ức chế PDE5.
Cuối cùng, dù thuốc có nhiều độc hại nhưng hiệu quả sử dụng trên một số vi khuẩn cao nên thuốc hiện vẫn được chỉ định trong một số bệnh kể trên. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào, dùng trong bao lâu, đường dùng… là điều bệnh nhân cần tôn trọng chỉ định chặt chẽ của bác sĩ.
Không nên lạm dụng kháng sinh
Theo Báo điện tử Đồng Nai, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dùng kháng sinh không đúng rất có hại. Đầu tiên là gây khó khăn cho chẩn đoán, chẳng hạn như bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm lu mờ các triệu chứng, gây khó chẩn đoán.
Ở một số bệnh, kháng sinh có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây phản ứng phụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao, nhất là kháng sinh Chloramphenicol (điều trị nhiễm khuẩn) có khả năng gây suy tủy. Một số kháng sinh, như: Streptomycine, Kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.
Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn lờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Một phát hiện khác đáng quan tâm hơn nữa: thuốc kháng sinh đắt tiền như azithromycin (điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục) có thể gia tăng nguy cơ đột tử ở người lớn đã mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim.
Lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không đúng gây lãng phí lớn, bởi nhiều bệnh có nguyên nhân do virus không thể chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard cũng ước tính khoảng 500 triệu USD đã chi cho kháng sinh chỉ định không cần thiết đối với bệnh đau họng (trong khoảng từ năm 2010-2013). Nếu tính luôn chi phí xử lý các phản ứng phụ của kháng sinh không cần thiết như tiêu chảy và bội nhiễm men ruột, nhóm nghiên cứu kết luận tốn kém thêm gấp 40 lần nữa.
Cũng tại hội nghị tổng kết các hoạt động cảnh giác dược năm 2013, ông Cao Thái Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định, cần có những biện pháp giám sát, sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và các cơ sở y tế.
Ngoài việc thành lập ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng kháng sinh hợp lý, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng dùng kháng sinh tùy tiện.
Và để làm được việc này, ông Cao Thái Hưng khuyến cáo các bác sĩ lâm sàng phải tiên phong, tránh lạm dụng kê đơn thuốc “quá tay”, đồng thời khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân để có kê đơn thuốc phù hợp.
Thuốc tham khảo: Chloramphenicol 5% - Nhiễm trùng phần trước của mắt, mí & lệ đạo. |
Thùy Linh
Theo GDVN