Cẩn thận với thực phẩm khô
(Giúp bạn)Xưa, các cụ để dành thực phẩm bằng cách phơi khô, muối, làm mứt… vì trong môi trường đậm đặc này thì vi khuẩn, nấm mốc không tài nào “sinh con đẻ cháu”. Tuy nhiên, ngày nay thực phẩm khô đã có nhiều khác biệt nên tạo “kẽ hở” cho vi khuẩn “hành động”… khiến người tiêu dùng có nguy cơ bị ngộ độc và nhiễm bệnh.
Các món khô xưa thường được phơi đến “quắt queo” rồi tẩm muối mặn chát, nên chỉ cần một miếng khô bé tẹo đã hết “vèo” một chén cơm. Nếu đứng về phương diện dinh dưỡng thì những món khô mặn chát, khô cong này đã bị biến chất không tốt cho sức khỏe.
BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho rằng, các vị cao tuổi có bệnh mãn tính cao huyết áp, tiểu đường nên “tuyệt giao” với các loại khô này vì có thể phải đi bệnh viện mà không kịp... mang theo sổ sức khỏe. Tuy nhiên, đây là món... quốc hồn, và thường gắn liền với nhiều kỷ niệm, nên nếu nhớ quá cũng có thể ăn một chút khô kèm với các loại rau xanh hoặc rau củ luộc, sau đó uống nhiều nước.
Khô ngày nay ngon hơn, mềm hơn, tươi hơn, ví dụ như: mực một nắng, cá lóc một nắng, tôm một nắng… Các món này cũng được tẩm ướp nhạt hơn, ngọt hơn. Khô một nắng thường bảo quản ở -200C. Khách hàng khi mua thường được người bán bỏ khô vào thùng đông lạnh dưới 00C, nhưng cách bảo quản này vẫn không đạt yêu cầu. Vì thế, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khi mua về nên dùng ngay. Điều đáng ngại của thực phẩm khô loại này là dễ nhiễm khuẩn, hư hỏng trong quá trình bảo quản, phơi sấy, vì thế cần chọn mua ở những cơ sở đáng tin cậy.
Ảnh minh họa |
Trong các loại khô còn có lạp xưởng, các loại lạp xưởng tươi ăn rất ngon vì mềm mại và thơm hơn lạp xưởng khô. Tuy nhiên, do còn tươi nên chứa nhiều nước, cộng thêm thực phẩm này chứa nhiều dinh dưỡng (nhiều chất đạm) nên cần được cất giữ trong tủ lạnh để nấm mốc và vi khuẩn không đến định cư. Điều đáng ngại là lạp xưởng tươi thường xuất hiện tại các quầy bán thịt sau những ngày bán ế. Phần thịt ế được chế biến lại thành lạp xưởng tươi, hôm sau bán tiếp.
Theo chuyên gia dinh dưỡng thì thịt là một trong những món ăn mà vi khuẩn “ái mộ” nhất. Thịt bán chậm đã nhiễm khuẩn, lượng muối trong lạp xưởng không đủ để ức chế vi khuẩn (nồng độ muối trên 15% mới ức chế được vi khuẩn). Vì thế, ăn lạp xưởng tươi dễ bị ngộ độc, và đây là món mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không dùng.
Còn các loại lạp xưởng khô ngày nay khó hư hơn nhờ được đóng bao, tiệt trùng bằng tia cực tím, hút chân không. Ở môi trường này, vi khuẩn không tài nào phát triển được. Thế nhưng, quá trình bảo quản không đúng cách, lạp xưởng “phơi mình” cùng nắng gió thì mỡ cũng bị oxy hóa. Khi ăn vào sẽ thấy có mùi hôi dầu, ăn thường xuyên sẽ bị lão hóa sớm, tổn thương tế bào và có nguy cơ bị ung thư cao.
Bên cạnh các loại thực phẩm khô còn có hoa quả làm mứt, sấy khô trong nước và từ các nước lân cận nhập về. Các loại này thường chứa các hóa chất chống mốc như benzoat natri, chống vi khuẩn như natrinitric... chưa kể thuốc sát trùng, tẩy trắng… BS Yến Phi cho rằng, chúng ta đang ở xứ nhiệt đới, mùa nào cũng có trái cây tươi ngon, vì thế chỉ nên dùng trái cây khô để thay đổi khẩu vị chứ không nên dùng thường xuyên vì không có lợi cho sức khỏe. Khi chọn mua trái cây khô cũng cần lưu ý màu sắc không khác trái cây ban đầu và không có vị lạ như: đắng, chát…