Cha mẹ có nên cho trẻ uống thuốc say xe?
(Giúp bạn)Không nên cho trẻ uống thuốc say xe vì nó gây ra nhiều tác dụng phụ, có hại cho hệ thần kinh của trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi.
Bé nhà tôi 3 tuổi, tôi muốn đưa con đi chơi xa, nhưng bé lại say xe. Tôi có nên cho con uống thuốc chống say? Có cách nào có thể làm bé dễ chịu hơn không?
Trả lời:
Dân trí dẫn nguồn people, say xe thường do chức năng tiền đình của trẻ quá mẫn cảm. Ngồi xe lắc lư, dễ khiến tiền đình của bé tăng độ hưng phấn, ảnh hưởng đến các chức năng hệ thần kinh, hệ tiêu hoá…gây ra các chứng như buồn nôn, nôn mửa, ra mồ hôi…
Ngoài ra, ngủ không đủ giấc, dạ dày và ruột không tốt hay bị cảm lạnh đau đầu… cũng dễ dẫn đến say xe. Người lớn có thể uống thuốc chống say xe để làm giảm cảm giác khó chịu này, nhưng những loại thuốc này có tác hại nhất định đến sự phát triển của hệ thần kinh, tuyệt đối không dùng cho trẻ nhỏ. Dưới đây là một số cách để giảm cảm giác say xe cho bé:
1. Trước khi lên xe, không nên cho trẻ ăn quá no, cũng không để bụng đói. Nên cho bé ăn trước đó 2 giờ, và ăn thanh đạm.
2. Trong suốt thời gian ngồi xe, không cho trẻ các thực phẩm gây trướng khí như lạc, táo tàu…; tránh uống các đồ uống có ga. Có thể ăn các thực phẩm dễ tiêu hoá như nước hoa quả, sữa chua…
3.Chuyển hướng chú ý của bé bằng cách kể chuyện, chơi trò chơi bằng miệng…
4. Cố gắng ngồi ghế đầu, mở một phần cửa sổ để không khí lưu thông nếu ngồi xe khách hoặc xe buýt. Với xe tự lái, bố mẹ không nên hút thuốc trong xe, và không dùng nước hoa hoặc mỹ phẩm có hương quá đậm.
5. Nếu phải đi đường dài, có thể chọn đi đêm, cố gắng dỗ cho bé vào giấc ngủ.
6. Trong trường hợp trẻ bị say xe, có thể dùng lực vừa phải ấn vào huyệt hổ khẩu ở giữa ngón trỏ và ngón cái của bé sẽ có tác dụng làm giảm cảm giác say.
Ngoài ra, ngày thường nên tăng cường luyện tập chức năng tiền đình cho trẻ như chơi xích đu, ôm chặt bé từ từ xoay tròn, hoặc cho trẻ đi thang máy thường xuyên...
Cần hạn chế cho trẻ uống thuốc say xe
Cháu bé nhà tôi mỗi khi đi ô tô hay bị say. Mong báo tư vấn cho tôi có thể dùng thuốc chống say tàu xe cho con như thế nào? Xin chân thành cảm ơn quý báo!
Đào Thị Dung (Quảng Ninh)
DS. Quang Huy trả lời trên Báo Sức khỏe và Đời sống, say tàu xe là một phản ứng bình thường trước những kích thích xảy ra khi đi tàu xe, mà bản thân không thể thích nghi.
Nguyên nhân của chứng say tàu xe là do bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai bị kích thích khác thường, hoặc do não bộ nhận tín hiệu từ mắt nhưng không đồng nhất với tín hiệu từ tai (thí dụ đi tàu mà không có cửa sổ: tai cho biết đang di chuyển, trong khi mắt thì cho cảm giác là không di chuyển).
Khi bị say tàu xe sẽ thấy buồn nôn, nôn ói, tái mặt, đổ mồ hôi, nhiều nước bọt, ngáp, khó chịu, thở sâu và mạnh.
Chị có thể cho cháu dùng thuốc chống say tàu xe di – acefylline diphenhydramine (nautamin). Thuốc có tác dụng chống say tàu xe, chống nôn và buồn nôn. Chị dùng cho cháu trước khi lên xe 1giờ. Nếu cháu nhà chị nhỏ hơn 2 tuổi thì tuyệt đối không được dùng thuốc này. Khi dùng thuốc có thể thấy người ngầy ngật, khô miệng, táo bón, bí tiểu, kích động, rối loạn tiêu hóa...
Tuy nhiên những triệu chứng này không thường gặp, khi ngừng thuốc sẽ hết. Ngoài ra, chị cần lưu ý một số điều để hạn chế say tàu xe cho trẻ:
Trước khi đi không nên ăn đồ béo, ăn quá no, đồ ăn chứa nhiều nước, ăn quá no dễ bị nôn, ăn đồ nhiều nước lợi tiểu, nên ăn nhẹ tránh để đói lại càng dễ say.
Trên đường đi chị nên động viên con nhìn ra ngoài vào những vật cố định, không nhìn vào những vật chuyển động càng dễ say.
Cố gắng hướng con vào những chuyện khác để quên việc phải đi xe.
Mở cửa sổ cho thoáng khí, nếu đi xe riêng có thể cho xe dừng lại để trẻ được hít thở không khí trong lành.
Không để trẻ đọc sách khi đang đi xe.
Trong trường hợp không dùng được thuốc chị có thể lấy một lát gừng tươi đắp lên rốn cho con, hay cho cháu hít vỏ quýt tươi... sẽ làm giảm triệu chứng say tàu xe. Chúc chị thành công!
Thuốc tham khảo: Nautamine 90mg Ngừa và điều trị say tàu xe. Ngừa và điều trị buồn nôn và nôn. |
Thùy Linh
Theo GDVN