Cho con ăn vặt thế nào là tốt?
(Giúp bạn)Hầu hết trẻ em đều thích mê với mùi vị, hương thơm của những món ăn vặt và có thể tự mua chúng một cách dễ dàng... Chính vì vậy, cấm trẻ ăn vặt là điều gần như không thể.
Hầu hết trẻ em đều thích mê với mùi vị, hương thơm của những món ăn vặt và có thể tự mua chúng một cách dễ dàng... chính vì vậy, cấm trẻ ăn vặt là điều gần như không thể. Vậy bố mẹ nên cho con ăn vặt thế nào là tốt?
Về cơ bản, các món ăn vặt là nguồn cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, hạn chế cơn đói giữa các bữa ăn và ổn định lượng đường trong máu. Một món ăn vặt được gọi là thông minh khi chứa từ 100 - 200 calories và cung cấp được các vitamin, khoáng chất, protein hoặc chất xơ cần thiết.
Tuy nhiên, trước sự nở rộ của thức ăn vặt hiện nay như snack, bỏng ngô, thực phẩm đóng hộp, xúc xích, kẹo bánh, nước ngọt có ga, thức ăn chiên rán... việc đảm bảo dưỡng chất cần thiết cũng như sử dụng hợp lý các món ăn vặt là điều khó có thể thực hiện. Chính vì thế, để ăn vặt trở thành “điểm cộng” cho sức khỏe thì sự định hướng của cha mẹ là rất quan trọng.
Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ và hình dung ra lịch ăn hàng ngày của trẻ. Những trẻ nhỏ thường có buổi ăn nhẹ vào giữa buổi sáng nhưng những trẻ lớn hơn thì không. Tìm ra thời gian mà trẻ ăn trưa, chúng ăn gì và ăn được bao nhiêu, chúng có bỏ bữa trưa không? Ở trường có cho trẻ ăn xế không? Trả lời được tất cả những câu hỏi này sẽ giúp bạn hình dung được con bạn đói thế nào khi về đến nhà.
Bạn nên suy nghĩ về thời điểm chuẩn bị bữa tối. Nếu trẻ về nhà vào tầm 17h15 và ăn nhiều món vặt, trẻ sẽ không đói lắm vào tầm 19h30. Vậy thì bạn nên cho trẻ ăn bữa tối muộn hơn hoặc giảm bớt thức ăn vặt để trẻ tập trung vào buổi tối.
Bạn nên xem xét cho trẻ ăn nhẹ với những thực phẩm gì? Hãy lập ra một danh sách những thực phẩm tốt nhưng vẫn đảm bảo độ hấp dẫn cho trẻ. Bao gồm các loại rau quả, trái cây tươi và các loại bánh, snack khoai tây ít béo để lập thành thực đơn ăn nhẹ hàng ngày cho trẻ.
Cấm trẻ em ăn vặt là điều gần như không thể
Nếu được, hãy dẫn trẻ đến cửa hàng thực phẩm và dành thời gian để đọc các thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và so sánh (chú ý về các thông số như lượng protein, canxi...và các chất dinh dưỡng khác) để chọn ra loại thực phẩm “ăn vặt” phù hợp với con bạn. Nên cho phép trẻ tự đưa ra các lựa chọn, nhưng bạn cần định hướng cho trẻ và thảo luận với trẻ để hướng trẻ chọn được những loại thức ăn vặt hấp dẫn nhưng ít béo và có lợi cho sức khỏe của trẻ. Qua đó, bạn cũng sẽ rèn được cho con thói quen chọn được những thực phẩm tốt.
Khi đói, trẻ thường ăn bất cứ thứ gì ngon lành và tiện lợi xuất hiện ngay trước mặt. Điều đó, giải thích vì sao trẻ thường ăn snack. Vì vậy, bạn hãy để các loại thức ăn vặt tốt cho sức khỏe như trái cây ở những nơi dễ nhìn thấy nhất khi trẻ về nhà. Khi trẻ đói, trẻ sẽ thấy đó là lựa chọn tốt nhất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tự làm những món ăn vặt mà trẻ thích như món bánh flan, sinh tố …với sự trợ giúp của chính “đầu bếp tí hon” của bạn. Những trẻ lớn hơn thường thích các loại sinh tố rau quả, hoặc các sản phẩm từ ngũ cốc như bánh mì với phomat…Bạn cũng có thể thử cho trẻ tham gia nấu các món đơn giản trong bữa ăn gia đình như món salad trộn chẳng hạn.
Trong trường hợp bạn đi vắng, hãy luôn nhớ để lại những thức ăn nhẹ tốt cho sức khỏe trong tầm mắt trẻ có thể dễ dàng thấy được khi từ trường về nhà. Vị trí ngay trước tủ bếp hoặc ngăn tủ lạnh ngang tầm mắt trẻ khi mở tủ là một lựa chọn lý tưởng. Trẻ sẽ lấy và sử dụng loại thức ăn nhẹ mà bạn đã chuẩn bị và muốn trẻ sử dụng.
Theo Gia đình Việt Nam
Theo GDVN