Đau vùng vai cổ - Bệnh lý không thể coi thường

15:42 14/04/2015

(Giúp bạn)Đau vùng cổ vai là bệnh lý rất phổ biến, thường gặp ở những người tuổi trung niên trên 40 tuổi, khi mà các đốt sống bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa.

Theo cổng thông tin điện tử Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, đau vùng cổ vai là bệnh lý rất phổ biến, thường gặp ở những người tuổi trung niên trên 40 tuổi, khi mà các đốt sống bắt đầu có dấu hiệu thoái hóa. Bệnh do nhiều nguyên nhân, làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.

-1

Theo Kramer Jurgen, tỷ lệ mắc bệnh đĩa đệm cột sống cổ chiếm 36,1%, đứng thứ hai sau bệnh lý đĩa đệm cột sống thắt lưng. Ở  các trung tâm chuyên khoa thần kinh, chứng đau vùng cổ vai chiếm tới 18,2% của cơ cấu mặt bệnh điều trị nội trú. Tại các phòng khám đa khoa, tỷ lệ bệnh nhân đau cổ – vai đến khám khoảng 28 – 35%. Tỷ lệ bệnh nhân đau cổ – vai – cánh tay điều trị tại khoa Thần kinh – Bệnh viện 103 trong 10 năm từ 1990 – 1999 chiếm 23,1%. Vì vậy, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân các chứng bệnh đau cổ – vai, đồng thời điều trị và dự phòng các chứng bệnh này là một yêu cầu cấp thiết đối với sức khỏe con người.

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh đau vùng cổ vai

Chứng đau vùng cổ vai do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu là bệnh lý thoái hóa cột sống cổ. Tuy nhiên vẫn phải loại trừ các bệnh lý khác như viêm, u, chấn thương cột sống cổ, bệnh bẩm sinh,…
Bệnh lý vùng cổ – vai rất phức tạp nên các biểu hiện lâm sàng rất đa dạng với các hội chứng sau:

Hội chứng cột sống cổ gồm các triệu chứng:

Đau vùng cột sống cổ và co cứng cơ cạnh cổ, cảm giác cứng gáy sau thời gian làm việc căng thẳng, khi cúi đầu lâu, sau khi tắm nước lạnh, thời tiết thay đổi… Đau ê ẩm đốt sống cổ khi ngủ dậy, phải nghiêng đầu về bên đau, vai bên đau nâng cao hơn bên lành, vận động cột sống cổ các phía hạn chế. Đau tăng khi vận động, cử động cổ có khi nghe thấy tiếng “lạo xạo”.

Hội chứng rễ thần kinh cổ gồm các triệu chứng:

Đau vùng gáy lan xuống bả vai, cánh tay, cẳng tay, ngón tay. Đau sâu trong cơ xương, nhức nhối khó chịu, đau tăng khi đi, đứng, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, đau giảm khi trọng tải trên cột sống giảm. Cảm giác tê bì, kiến bò, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, yếu một số cơ của chi trên và hạn chế vận động do đau; teo cơ chi trên…

Hội chứng thiếu máu não động mạch sống nền gồm các triệu chứng:

Bắt đầu là những cơn đau đầu ở vùng chẩm, đau lan tới đỉnh đầu, thái dương, hốc mắt, đau một hoặc hai bên và hay đau vào buổi sáng, đau thon thót từng cơn. Chóng mặt chòng chành, mất thăng bằng, khi quay đầu đột ngột, kèm theo ù tai, như ve kêu trong tai, giảm thính lực tạm thời. Đau tai, đau lan ra sau tai, đau ở một tư thế nhất định của đầu. Mờ mắt, tối sầm mắt khi thay đổi tư thế. Trường hợp nặng có cơn sụp đổ, có thể kèm đau đầu hoặc mất ý thức.

Hội chứng thực vật dinh dưỡng với các biểu hiện:

-        Có cơn vã mồ hôi, mặt lúc đỏ lúc tái, dị cảm ở họng, nuốt cũng thấy đau, cảm giác nghẹn ở cổ.

-        Hội chứng cổ – tim: cơn đau thắt ngực do cột sống cổ, cảm giác đau như đè nén, khoan dùi ở toàn bộ vùng tim hoặc sau xương ức, cơn đau kéo dài 60 – 90’, có báo trước bằng đau ở vùng cổ vai, đau ở vùng tim tăng khi cử động đầu, Điện tim không có biến đổi đặc hiệu của thiếu máu cơ tim.

-        Hội chứng cơ bậc thang: căng các cơ ở cổ, nhất là cơ bậc thang trước. Đau và dị cảm vùng mặt trong cánh tay, cẳng tay, bàn tay và ngón 4, 5, lan tới vùng chẩm.  Kèm yếu cơ, teo cơ ở tay và mô út, tay tê cóng, tím tái, phù nề, lạnh đầu chi, nếu nặng thấy mất mạch quay.

-        Viêm quanh khớp vai: đau ở vai, khó hoạt động khớp vai, nhất là khi dang tay và xoay cánh tay vào trong hoặc giơ lên đầu. Đau lan xung quanh khớp vai, thường đau âm ỉ về ban đêm, hạn chế vận động khớp vai, teo cơ ở vai…

Hội chứng chèn ép tủy gồm các triệu chứng:

-        Hai bàn tay mất khéo léo, tê bì các đầu ngón tay làm cho cử động vụng về, không làm được các động tác chính xác.

-        Hai chân hay chỉ một chân yếu, đi bộ khó khăn, dễ mỏi, dần dần thay đổi dáng đi, đi không vững,hai chân dang rộng và hay bị mất thăng bằng. Trường hợp nặng không đi lại được.

-        Rối loạn cơ thắt: lúc đầu là khó đi tiểu, về sau tiểu tiện không tự chủ, không giữ được nước tiểu.

Chẩn đoán và điều trị bệnh đau vùng cổ vai

Tùy theo vị trí thương tổn cột sống cổ mà các triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện riêng lẻ hay kết hợp giữa 5 hội chứng. Khi phát hiện có những triệu chứng kể trên, người bệnh cần nhanh chóng điều trị kịp thời để tránh gây hậu quả về sau.

Để chẩn đoán bệnh, các bác sỹ chuyên khoa thần kinh sẽ khám lâm sàng cẩn thận để phát hiện các triệu chứng thần kinh khu trú và yêu cầu các xét nghiệm để chẩn đoán xác định như: Chụp X.quang, chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ, ghi điện não, lưu huyết não, điện tim, điện cơ và các xét nghiệm thường quy khác (tùy từng trường hợp).

Để được thăm khám và điều trị các bệnh lý thần kinh nói chung và bệnh đau cổ vai, thoái hóa cột sống cổ nói riêng, người bệnh có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa Nội thần kinh.

Điều trị đau cổ vai chủ yếu là điều trị nội khoa, bao gồm việc dùng thuốc và vật lý trị liệu, thường có hiệu quả khi người bệnh chỉ có đau hoặc tê trong bệnh lý dễ và hầu như không có hiệu quả đối với những người bệnh có biểu hiện của bệnh lý tủy. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh cách phòng chống thoái hóa cột sống cổ.

Nên tập luyện để phòng tránh

Sức khỏe và đời sống cho hay, để phòng đau cổ, vai, cần ngồi, đứng, ngủ sinh hoạt... đúng tư thế. Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, thỉnh thoảng nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay. Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu; không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm.

Không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu răng rắc. Nhiều người cho rằng làm thế sẽ đỡ nhức mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược, bởi nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng; Khi bị đau vai, gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E; tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.

Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Tham khảo thuốc:

Viên Khớp Tâm Bình:

- Hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp
- Thoái hóa cột sống cổ, thắt lưng, khớp vai, háng, gối
-Trị đau lưng, mỏi gối, đau vai gáy, đau nhức xương, mỏi, tê buồn chân tay

Trà Mi

Nên đọc
-2 Bệnh nhịp tim chậm
-3 Cách phát hiện sớm phình đại tràng ở trẻ nhỏ
-4 Viêm họng khi chuyển mùa: Triệu chứng và cách phòng ngừa
-5 Mẹ có thể chữa trĩ khi đang cho con bú không?

Theo GDVN

Comments