Dị ứng thực phẩm: Triệu chứng phổ biến

15:45 14/04/2015

(Giúp bạn)Khi cơ thể có những phản ứng tiêu cực đối với một số loại thực phẩm thì người ta gọi đó là dị ứng thực phẩm.

Triệu chứng biểu hiện của dị ứng thực phẩm

Báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần dẫn lời BS. Nguyễn Hoàng Quân cho biết, triệu chứng biểu hiện của dị ứng thực phẩm có thể là một hay nhiều biểu hiện dưới đây:

- Nổi mẩn đỏ ở da, có thể có ngứa kèm theo. Mẩn đỏ thường mất đi trong vài ngày. Một số trường hợp có thể tồn tại rất lâu được gọi là viêm da dị ứng.

- Ngứa mũi và mắt, hắt hơi và chảy nước mũi, có thể có các triệu chứng của hen suyễn như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở.

- Ngứa và sưng quanh môi và miệng, đặc biệt khi môi và miệng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn.

- Một số triệu chứng như buồn nôn, đau kiểu chuột rút, phù nề, nôn mữa và tiêu chảy cũng có thể xảy ra.

Phản ứng phản vệ nặng là biểu hiện trầm trọng nhất của dị ứng thực phẩm và có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng đặc hiệu đã được thấy trong phản ứng phản vệ do thực phẩm liên quan với da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp.

Các triệu chứng thường gặp là ngứa vùng hầu họng, phù mạch (chẳng hạn phù thanh quản), cò cử, khó phát âm, ho, khó thở, khò khè, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, bừng mặt, mẫn ngứa.

Tử vong có thể xảy ra là do một hoặc phối hợp nhiều biến cố: phù thanh quản trầm trọng, co thắt phế quản không hồi phục, hạ huyết áp khó hồi phục.

Phát hiện và loại trừ dị ứng thực phẩm

Tuổi trẻ đưa tin, có thể nói tất cả thực phẩm đều có thể gây dị ứng, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm (90% nguyên nhân). Dị ứng chéo xảy ra ở các thực phẩm có thành phần giống nhau. Như sữa, nếu đã dị ứng với sữa bò thì cũng có thể dị ứng với sữa dê, cừu, trâu...

-1

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng: di truyền (nếu cha/mẹ bị dị ứng thì 20-30% con cũng có khả năng bị dị ứng, nếu cả cha cùng mẹ bị dị ứng thì tỉ lệ này đến 50-60%), một số điều kiện kết hợp như đang nhiễm siêu vi, tổn thương niêm mạc ruột...

Thường chúng ta ăn nhiều loại thực phẩm trong cùng một bữa ăn nên khó xác định loại nào, thành phần nào trong thực phẩm gây dị ứng. Sau khi ăn nếu thấy có các triệu chứng dị ứng, cần xác định bằng cách ghi nhật ký ăn uống. Không ăn thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng khoảng 7-14 ngày để xem các triệu chứng có thuyên giảm hay không. Nếu các triệu chứng vẫn còn thì thực phẩm đó không phải là nguyên nhân gây dị ứng.

Khi nghi ngờ bị dị ứng thực phẩm, nên đến ngay cơ sở y tế, ghi nhật ký ăn uống và tìm hiểu trong gia đình có ai bị dị ứng thực phẩm hay không. Khi biết loại thực phẩm gây dị ứng thì nên tạm ngưng và chọn thức ăn khác thay thế. Trường hợp bị dị ứng nặng như nổi mề đay toàn thân, khó thở... phải đến ngay bệnh viện để cấp cứu.

Không sử dụng thực phẩm gây dị ứng là phương pháp điều trị đơn giản và hiệu quả nhất. Thời gian loại trừ phụ thuộc tuổi, loại thực phẩm và từng cá nhân đối với dị ứng. Trẻ dị ứng với sữa bò có tới 80% hết dị ứng khi tròn thôi nôi và hầu hết không còn dị ứng khi lên 3 tuổi.

Ở người lớn, tỉ lệ hết dị ứng với thực phẩm ít hơn, thông thường khoảng 1/3 sẽ hết dị ứng sau 1-2 năm kiêng không ăn thực phẩm đó nữa. Các dị ứng với sữa, trứng có thể tự hết; ngược lại với đậu phộng, hạt điều, hải sản... thường lâu dài, có khi cả đời.

Khi loại trừ thực phẩm gây dị ứng, không nên kiêng cữ một cách tràn lan để phòng mất cân bằng dinh dưỡng. Ví dụ: bạn bị dị ứng với protein sữa bò không cần cữ thịt bò, hoặc bị dị ứng với trứng gà vịt cũng có thể không dị ứng với thịt gà, vịt...

Trà Mi

Nên đọc
-2 Những dấu hiệu cảnh báo ung thư ở đàn ông
-3 Có nên cắt Amidan không?
-4 Phát hiện bệnh bướu cổ như thế nào?
-5 Tác dụng không ngờ của bia đối với sức khỏe

Theo GDVN

Comments