Dinh dưỡng cho trẻ bị thủy đậu

15:17 14/04/2015

(Giúp bạn)Trong dự phòng và điều trị bệnh thủy đậu thì chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ là yếu tố có vai trò quan trọng, phụ huynh cần quan tâm.

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị trẻ bị thủy đậu

Theo Sức khỏe & đời sống, đối với trẻ trong độ tuổi bú sữa mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú nhiều lần cùng chế độ ăn bổ sung hợp lý. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng, phát triển tối ưu và phòng bệnh.

Với trẻ lớn tuổi, cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng và đảm bảo các nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng. Không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi.

-1

Các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nên cho trẻ ăn nhiều rau, quả có màu vàng, đỏ và các loại rau có lá xanh sẫm. Những thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương. Bên cạnh đó, trẻ cần được uống bổ sung vitamin A theo phác đồ điều trị.

Cần cho trẻ uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn trẻ đang sốt, nôn, tiêu chảy. Có thể cho trẻ uống nước quả như: nước cam, nước bưởi, nước chanh và các loại nước quả, sinh tố khác.

Khi trẻ sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho trẻ uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải theo hướng dẫn. Sau khi khỏi bệnh, cần cho trẻ ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần. Điều này giúp trẻ nhanh chóng trở về tình trạng sức khỏe bình thường.

VTV News cho hay, Thủy đậu cũng là bệnh có thể lây từ mẹ sang con và có thể để lại dị tật bẩm sinh cho em bé khi sinh ra. Theo thống kê của ngành y tế, khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu thì sẽ bị lây bệnh nếu có tiếp xúc trực tiếp với một người nhiễm bệnh.

Bệnh thủy đậu xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở trẻ dưới 10 tuổi. Do đặc điểm dễ lây lan qua đường hô hấp nên trường học, nhà trẻ… là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát dịch thủy đậu.

Để chủ động phòng ngừa, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chủng ngừa trước khi con bị lây nhiễm trong trường học. Sau khi tiêm, cơ thể cần 3 tuần để tạo ra kháng thể ngừa bệnh, vì vậy nên chủng ngừa cho trẻ trước khi dịch xảy ra.

Điều này không chỉ ngăn chặn bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng mà giúp trẻ không phải nghỉ học khi nhiễm bệnh và để lại sẹo cho trẻ.

Tham khảo thuốc:

Oresol Plus: Bù nước và điện giải trong các trường hợp mất nước như ỉa chảy, nôn, lao động và chơi thể thao mất nhiều mồ hôi, sốt cao...

Phùng Nguyễn

Nên đọc
-2 Bệnh thủy đậu: Dùng thuốc gì?
-3 Những bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu
-4 Bệnh thủy đậu: Triệu chứng và cách điều trị
-5 Làm sao khi nốt thủy đậu đau và mưng mủ?

Theo GDVN

Comments