Sụp mí mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa

15:52 14/04/2015

(Giúp bạn)Xệ mí mắt hay còn gọi là sụp mí mắt hay mí mắt chảy xệ hay sụp mi là sự sa xuống của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường.

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, sụp mí mắt là sự sa xuống của mi mắt trên xuống thấp hơn vị trí bình thường do cơ mí mất khả năng co giãn, đàn hồi hay da mí bị nhão tạo thành những túi mỡ ở mí trên, hoặc do da nhăn nheo ở khóe mắt và do tổn thương của dây thần kinh số 3 và hội chứng Horner hay các nguyên nhân tại chỗ gồm tổn thương bẩm sinh hoặc mắc phải của các cơ nâng mi, khối u và nhiễm khuẩn hoặc do bệnh nhược cơ.

Nguyên nhân sụp mí mắt

Có rất nhiều nguyên nhân khiến sụp mi như: nguyên nhân bẩm sinh, do tuổi tác, dính chấn thương, các phẫu thuật ở mắt hoặc do các bệnh lý thần kinh, bệnh của cơ hay đái tháo đường… Trong đó, sụp mi bẩm sinh thường gặp nhất, xuất hiện ngay sau khi sinh và chiếm tới 75% trường hợp. Nguyên nhân của sụp mi bẩm sinh là do sự loạn dưỡng khu trú nguyên phát của các sợi cơ nâng mi, số lượng các sợi cơ nâng mi giảm đi và thay thế bằng các tổ chức xơ.

-1

Mặt khác, mí mắt sụp xuống theo tuổi, khi tuổi càng cao, cơ nâng mi càng dãn mỏng và yếu vì quá trình lão hóa. Xệ mí sụp mi biểu hiện rõ nhất ở những người sút cân sau điều trị béo phì hoặc người có cấu tạo da khô, mức độ sụp mi nặng nhẹ tùy từng người. Nhìn chung, thời gian, tuổi tác và môi trường sống là những nguyên nhân khiến lớp da mí mắt kém đàn hồi. Phụ nữ tuổi trung niên thường trăn trở vì mí mắt bị chảy xệ và xuất hiện lớp mỡ dư thừa ở mí trên lẫn mí dưới, khiến đôi mắt trông già nua và thị lực giảm sút.

Xệ mí mắt được chia làm hai nhóm chính: là xệ mí mắt bẩm sinh và xệ mí mắt mắc phải.

Xệ mí mắt bẩm sinh: Chiếm khoảng 55 - 75% các trường hợp, trong đó sụp mi đơn thuần thường gặp nhất, có thể kết hợp với tật khúc xạ, không gây nhược thị, sụp mi bẩm sinh phối hợp với bất thường vận nhãn. Xệ mí bẩm sinh phối hợp với những dị dạng ở mặt.

Xệ mí mắt mắc phải: chiếm khoảng 25% các trường hợp sụp mi và được chia làm các nhóm:

- Xệ mí do tổn thương thần kinh, liệt vận nhãn với mức độ khác nhau

- Xệ mí do cân: gặp ở người cao tuổi, chức năng cơ gần như bình thường, khi nhìn xuống mi sụp, nếp gấp da mi cao hơn bình thường, mi mỏng, sụp mi nặng hoặc nhẹ.

- Xệ do chấn thương: chấn thương đụng dập hoặc đâm xuyên vào cân cơ cũng có thể gây sụp mi vĩnh viễn. Phẫu thuật hốc mắt và phẫu thuật thần kinh cũng có thể gây sụp mi.

- Xệ mí do tác nhân cơ giới: u, sa da mi, bệnh lý sẹo như xơ hóa cơ, mắt hột, bỏng.

Triệu chứng, biểu hiện sụp mí mắt

Theo Sức khỏe & đời sống, biểu hiện xệ mí dễ nhận biết nhất là mắt (một bên hoặc cả hai) không mở lớn được, mí mắt che phủ con ngươi.

Những biểu hiện sau có thể biết được tình trạng sụp mi trên ở người lớn tuổi như:

- Động tác mở mắt khó khăn, nhiều khi phải nhăn trán hay ngẩng đầu mới có thể nhìn được.

- Da mi trên sa trễ xuống tạo cho mi trên có nhiều nếp mi.

- Mi trên sa trễ qua cả bờ mi và che phủ đồng tử (trung tâm lòng đen), che trục nhìn của mắt.

Các dấu hiệu chứng tỏ sụp mi nặng gồm:

- Lông mi hướng xuống dưới

- Mất nếp gấp mi trên

- Co rút cơ trán biểu thị bằng rướn lông mày

- Ngửa cổ ra sau

- Giảm thị lực

- Thử nghiệm lật mi, nếu mi trên luôn ở tư thế đã bị lật chứng tỏ cơ nâng mi yếu hay không còn hoạt động.

Phòng ngừa sụp mí mắt

Để phòng tránh hiện tượng sụp mí mắt không khó, điều quan trọng bạn phải xây dựng cho mình chế độ chăm sóc mắt hợp lý cũng như tránh xa các tác nhân không tốt cho mắt. Ví dụ như:

- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh. Không thức quá khuya, hoặc ngủ quá nhiều. Nên duy trì giấc ngủ trưa tầm 15-20 phút cũng như ngủ 8 tiếng mỗi ngày để đôi mắt được phục hồi sau khi lao động, làm việc.

- Không nên tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, không đọc sách báo truyện khi thiếu ánh sáng. Không nên thường xuyên sử dụng kính sát tròng.

- Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt. Nên sử dụng kính râm hoặc kem chống nắng dành riêng cho mắt khi đi ra ngoài.

- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, vitamin E… tốt cho mắt. Uống đủ lượng nước mỗi ngày. Hạn chế uống cà phê, rượu, các chất kích thích…

- Sử dụng một số loại mỹ phẩm dưỡng da dành riêng cho vùng mắt. Có thể đắp mặt nạ cho mắt hàng ngày trước khi đi ngủ.

Tham khảo thuốc:

Natriclorid: Dùng nhỏ rửa mắt, rửa mũi. Bụi bẩn do đi xe máy nhiều, ghèn rỉ mắt. Ngứa mắt, mỏi mắt, khô rát mắt. Phòng ngừa bệnh dịch về mắt. Trị sổ mũi, nghẹt mũi.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Bài thuốc chữa bệnh từ cây sen cạn
-3 Món ăn bài thuốc từ cá chim
-4 Thoát vị thành bụng
-5 Sốc phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng

Theo GDVN

Comments