Stress cấp: Nguyên nhân và cách xử lý
(Giúp bạn)Stress cấp thường xảy ra khi cá nhân phải đối mặt với những tình huống tác động mạnh đến tinh thần. Đó là những tình huống gây sang chấn tâm lý rất mạnh và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề.
Khi bệnh xuất hiện ở những cơ thể vốn đã kiệt sức và có các bệnh lý mạn tính sẽ làm cho sức khỏe càng tồi tệ hơn. Mức độ của stress cấp còn phụ thuộc vào khả năng đối phó của từng cá nhân.
Đối tượng dễ bị Stress cấp
Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị các cơn stress cấp tính nhưng thường gặp ở lứa tuổi trẻ (18 - 25 tuổi) và phụ nữ tuổi quanh mãn kinh và những người có cường độ công việc cao, doanh nhân, trí thức… Một em bé cũng có thể mắc stress nếu sống trong một môi trường với áp lực học hành lớn hay do bố mẹ mâu thuẫn…
Tuy nhiên, thường gặp nhiều ở những người có quá nhiều áp lực nhưng sức chịu đựng kém, hơn nữa lại không biết tự giải phóng mình khỏi những căng thẳng, lo âu.
Nguyên nhân dẫn đến Stress cấp
Theo Sức khỏe và Đời sống, có rất nhiều nguyên nhân, tình huống có thể gây stress cấp như: Sau một cú sốc nặng về tinh thần: đột ngột mất việc, bị người tình phản bội, người thân đột ngột qua đời… Nhiều người đang khỏe mạnh bỗng trở thành một cơ thể tàn tạ, mệt mỏi, rã rời, không còn ước mơ hy vọng vào cuộc sống.
Ví dụ người thân chết đột ngột; Bị phản bội, phụ tình; Bị làm nhục, bị hãm hiếp, bị bắt cóc hay bị cướp giật…; Stress tâm lý trường diễn không lớn nhưng kéo dài: Quan hệ gia đình phức tạp, gặp thất bại và mất mát nhiều lần trong cuộc sống.
Mâu thuẫn lâu với người trong gia đình hoặc với đồng nghiệp; Bị bất công, ngược đãi, hành hạ...; Ngoài ra, stress cấp tính còn hay gặp ở những người bị suy nhược cơ thể do nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bị chấn thương sọ não, suy dinh dưỡng, mất ngủ kéo dài...
Trong số đó có những trường hợp bỗng nhiên rơi vào trạng thái không tiếp xúc, không nói được. Trí nhớ và chú ý giảm, vẻ mặt buồn rầu, lo âu, hốt hoảng, ý thức bị thu hẹp, đôi khi có cơn kích động, ăn kém, rối loạn giấc ngủ… Bệnh nhân được đưa đi khám và được chẩn đoán bị phản ứng với stress cấp.
Cảm xúc của người bệnh bị giảm sút, khó hoặc không thể vui vẻ trong các hoạt động vốn có trước đây mà người bệnh ưa thích và có cảm giác về tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày; khó tập trung chú ý; cảm giác tan rã các cơ quan trong cơ thể; cảm giác thế giới không thật hoặc giống như một giấc mơ hoặc rất khó khăn gợi lại các chi tiết của sự kiện chấn thương tâm lý như quên phân ly. Mặc dù chấn thương có thể giống nhau về mức độ, nhưng sự đáp ứng có thể khác nhau.
Làm gì khi mắc Stress cấp tính?
Không nên tự ý dùng thuốc
Để điều trị căn bệnh này, cần áp dụng bằng các liệu pháp tâm lý. Người bệnh rất cần được quan tâm đặc biệt, cần động viên tinh thần và giúp bệnh nhân thoát khỏi trạng thái cô đơn. Cần đưa bệnh nhân thoát khỏi môi trường, hoàn cảnh đã gây ra stress cấp.
Động viên bệnh nhân tập luyện vừa sức giúp thư giãn, đem lại những hưng phấn về tinh thần. Có thể đưa người bệnh đến những nơi có môi trường trong lành, bình yên kết hợp với chế độ dinh dưỡng đảm bảo dưỡng chất, loại bỏ rượu bia, thuốc lá.
Theo Dân trí, ngay từ khi phát hiện bị các cơn stress cấp tính, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ tâm lý, thần kinh để tìm ra nguyên nhân, qua đó ngăn chặn cơn stress cấp tính ngay khi gặp áp lực, mệt mỏi trong cuộc sống.
Đặc biệt, bệnh nhân bị stress thì việc tin tưởng, gần gũi với bác sỹ là rất quan trọng. Nếu người trẻ, nếu có các biểu hiện đau lưng, mất ngủ, bồn chồn, căng thẳng kéo dài; người trung niên có biểu hiện mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, sợ lạnh, có một bệnh dai dẳng nhưng không tìm được căn nguyên… thì nên tìm tới bác sỹ chuyên khoa tâm thần để sớm điều chỉnh và ngăn chặn cơn stress cấp tính.
Nếu không được điều trị người bệnh sẽ dẫn đến chứng trầm cảm nặng nề, các bệnh khác có cơ hội xâm nhập, phát sinh. Khi bệnh quá nặng có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tính mạng.
Tuy nhiên, hầu hết những người có vấn đề về trầm cảm hay stress lại ít khi chấp nhận đến bác sĩ tâm thần điều trị.
BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần cũng chia sẻ, liệu pháp rèn luyện sức khỏe tinh thần rất quan trọng. Để tránh cơn stress cấp tính, mỗi người cần tập cách hài hòa cuộc sống tự nhiên và xã hội, giữa công việc và giải trí, giải toả lo lắng, căng thẳng.
Nhất là phải biết điểm dừng trong công việc, đừng quá vì danh vọng, tiền tài mà lao vào làm việc không ngơi nghỉ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần.
Tham khảo thuốc: Diazepam Diazepam được sử dụng trong những trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ. Trong trường hợp trầm cảm có các triệu chứng giống như trên, có thể chỉ định dùng diazepam cùng với các thuốc chống trầm cảm. |
Tiến Khê
Theo GDVN