Chứng run chân tay

15:45 14/04/2015

(Giúp bạn)Run là dấu hiệu của nhiều rối loạn thần kinh nhưng cũng thấy ở người lành mạnh. Run tay chân có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào kể cả nam lẫn nữ, nhưng thường thấy hơn ở tuổi trung niên và cao niên.

Nguyên nhân run

Trao đổi trên Phụ nữ Online, theo BS Huỳnh Tấn Vũ, run là hiện tượng vận động cơ không có chủ ý, do sự rối loạn đường truyền giữa não bộ và các dây thần kinh gây nên.

Nguyên nhân gây run là do các bệnh liên quan đến não bộ như: thoái hóa tế bào thần kinh; tổn thương tế bào thần kinh do đột quỵ, viêm não, thuốc; rối loạn thần kinh; thoái hóa não ở người cao tuổi. Ngoài ra, hiện tượng run tay còn gặp ở một số người sau cai rượu, suy gan, đa xơ cứng, cường giáp, ngộ độc thủy ngân. Run tay xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường hay gặp ở người già.

Run vô căn: đây là run lành tính hoặc có yếu tố di truyền. Bệnh thường bắt đầu ở tuổi trung niên, một số ít xuất hiện ở tuổi thiếu niên nhưng sau đó mất đi và xuất hiện trở lại khi về già. Hiện tượng run xuất hiện rõ nhất khi tay bưng một vật gì hoặc đang xỏ kim, khi đứng.

Run tĩnh (run Parkinson): do tổn thương một nhóm tế bào thần kinh ở não nên run sẽ xảy ra dù cơ bắp đang được thư giãn. Hiện tượng run xuất hiện rõ khi đặt tay lên đùi, duỗi thẳng khi đứng hoặc đi bộ. Nhưng khi tay có hoạt động hay cầm nắm trở lại, hiện tượng run sẽ biến mất.

Run tiểu não: tiểu não là cơ quan thuộc tổ chức thần kinh trung ương, có chức năng điều hòa chính xác các cử động của cơ thể. Khi mắc một số bệnh như khối u trong não, đột quỵ, nghiện rượu mạn tính, đa xơ cứng... làm tổn thương vùng tiểu não cũng gây ra hiện tượng run tay.

Run sinh lý: khi cơ thể thay đổi cảm xúc đột ngột, sử dụng các chất kích thích, tay chống đỡ một vật gì đó trong thời gian dài... cũng gây ra hiện tượng run.

Run do rối loạn trương lực cơ: nếu bệnh khu trú ở phần bàn tay thì cũng gây ra hiện tượng run tay.

“Điều trị hiện tượng run dựa vào nguyên nhân gây bệnh, có thể dùng thuốc, tập vật lý trị liệu và khoảng 1/3 trường hợp run (nhất là run vô căn) được cải thiện đáng kể nhờ liệu pháp tâm lý. Phẫu thuật sẽ là lựa chọn cuối cùng nếu các phương pháp khác không hiệu quả” - BS Vũ cho biết.

Điều trị thế nào?

Theo Sức khỏe và đời sống, hiện nay, việc điều trị chứng bệnh này rất khó khăn vì không có thuốc trị dứt mà chỉ giảm dấu hiệu, giúp khả năng cơ thể ổn định hơn.Điều trị căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn trong liệt rung Parkinson thì dùng hoá chất bổ sung thiếu chất này ở não bộ hoặc do stress thì dùng các thuốc an thần, thuốc chống co giật cơ.

Phẫu thuật đôi khi cũng được áp dụng khi bệnh quá trầm trọng, gây khó khăn cho sự sống của người bệnh. Ngoài ra còn điều trị với gắn các thiết bị kích thích tế bào thần kinh vào não bộ.Vì vậy, khi có các biểu hiện của bệnh, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh nội, ngoại theo dõi và đưa ra các phương án điều trị thích hợp.

Vật lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân rất nhiều. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách kiềm chế kiểm soát sự run của cơ; hướng dẫn duy trì sự cân bằng của cơ thể. Chẳng hạn, để tránh run giật ở cánh tay, có thể giữ tay sát vào thân mình, đeo vật nặng ở cổ tay hoặc mang thanh nẹp gỗ hoặc kim loại.

Người thân trong gia đình cần thường xuyên hỗ trợ người bệnh cả về tinh thần cũng như thể chất, giúp họ thích nghi với khó khăn, đặc biệt là các hoạt động thường nhật như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cơ thể. Luôn luôn khích lệ và chỉ dẫn họ cách thức kiềm chế sự run.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Acid folic rất cần thiết cho rất nhiều các phản ứng sinh lý. Đặc hiệu hơn, acid folic cần thiết cho việc tổng hợp DNA và do đó đóng vai trò thết yếu trong quá trình phân chia tế bào. Nó còn tham gia vào quá trình sản xuất các acid amin không thiết yếu như methionine và glycin.

Linh Chi

Nên đọc
-1 Chế độ ăn uống và sinh hoạt phòng ngừa đục thủy tinh thể
-2 Phẫu thuật đục thủy tinh thể
-3 Bệnh đục thủy tinh thể
-4 Cho trẻ ăn bữa sáng đúng cách


Theo GDVN

Comments