Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng

15:51 14/04/2015

(Giúp bạn)Sa trực tràng là bệnh được gây nên bởi trực tràng chui qua lỗ hậu môn ra nằm ở ngoài hậu môn.

Nguyên nhân bệnh sa trực tràng

Theo Sức khỏe & đời sống:

Nguyên nhân giải phẫu

- Trực tràng không dính vào thành bụng sau nên có thể di động dễ dàng, trượt xuống dưới và sa ra ngoài (Pamberton và Stalker).

- Túi cùng Douglas thấp. Khi áp lực ổ bụng tăng cao, sẽ đè vào thành trước trực tràng và dần dần đẩy trực tràng sa ra ngoài hậu môn.

Túi cùng Douglas thấp là nguyên nhân của sa trực tràng phía trước (Moskowitz).

- Đáy chậu khiếm khuyết. Cân đáy chậu phát triển không tốt, hoành đáy chậu rộng, cơ nâng hậu môn và các cơ thắt hậu môn bị nhão làm cho thành trước trực tràng sa ra ngoài. Đã có nhiều công trình khảo sát trương lực của các cơ bằng điện cơ và bằng sinh thiết. Parks và Nell cho rằng trong sa trực tràng có hiện tượng của giảm áp lực của cơ thắt kể cả lúc nghỉ lẫn lúc co, giảm cảm giác trực tràng, mất phản xạ trực tràng - cơ thắt. Trạng thái của cơ thắt giống như khi thần kinh của chúng bị cắt đứt.

- Thiếu độ cong xương cùng. Về cấu tạo giải phẫu, xương cùng có độ cong, trực tràng nằm tựa vào độ cong này. Khi xương cùng không có độ cong, trực tràng mất chỗ tựa.

- Độ gấp góc bóng trực tràng - ống hậu môn không đủ. Bình thường chỗ nối giữa bóng trực tràng và ống hậu môn có độ gấp khúc, tạo nên một góc, thay đổi từ 80 đến 100 độ, mở ra phía sau. Khi độ gấp góc này giảm hay mất đi, sa trực tràng sẽ xuất hiện.

- Van trực tràng kém phát triển. Các van Houston trên, giữa, dưới phát triển không tốt, giảm độ cản, trực tràng dễ sa xuống và tụt ra ngoài.

-1

Nguyên nhân sinh hoạt

- Suy dinh dưỡng và thiếu vitamin B: Những bệnh nhi sa trực tràng do nguyên nhân này, nếu được nuôi dưỡng tốt, bệnh có thể khỏi, không cần phải can thiệp phẫu thuật.

- Thiếu cân nặng do ăn uống không đầy đủ (Boulin).

- Táo bón kinh niên: Những người bị táo bón, khi đại tiện phải rặn. Khi rặn áp lực ổ bụng tăng lên rất nhiều. Hơn 50% bệnh nhân sa trực tràng có chứng táo bón kinh niên (Malafosse).

- Tiêu chảy: Khi bị tiêu chảy, mỗi ngày phải đại tiện nhiều lần và mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều. Sa trực tràng có thể khởi phát sau đợt tiêu chảy hoặc lỵ.

- Ngồi bô: Ở các nhà trẻ, các cháu trẻ ngồi bô hàng loạt, đại tiện không đúng lúc có nhu cầu, sa trực tràng dễ xuất hiện.

Nguyên nhân chấn thương

- Sau các phẫu thuật sản phụ khoa. 25% số bệnh nhân sa trực tràng có tiền sử mổ các bệnh sản phụ khoa (Malafosse).

- Tiền sử chấn thương vùng đáy chậu cũng được nhắc tới, nhưng số bệnh nhân thuộc loại này không nhiều.

Triệu chứng, biểu hiện bệnh sa trực tràng

Khám phá cho biết, bệnh sa trực tràng gặp cả ở nam lẫn nữ. Nữ hơn nam nhiều lần, thấy nhiều ở những người sinh khó, cuộc sinh kéo dài, khi sinh rách tầng sinh môn, ở những người có tiền sử cắt tử cung.

Bệnh thấy ở mọi lứa tuổi. Nhiều ở trẻ em và người cao tuổi. Ở người lớn, đỉnh cao là ở tuổi 60-70.

Xảy ra nhiều ở những người gầy ốm, ở những người thường xuyên bị táo bón lâu ngày, liên tục dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài.

Bệnh sử

Bệnh không làm bệnh nhân đau đớn, chỉ gây phiền hà trong sinh hoạt nên nấn ná, chỉ đến khám khi có cơ hội thuận tiện hoặc khi gây nhiều phiền hà. Bệnh nhân thường đến khám sau nhiều năm mắc bệnh. Có bệnh nhân khi đến bệnh viện khám đã có tiền sử 50 năm.

Triệu chứng cơ năng

Khối sa ở hậu môn

- Lúc đầu khối sa nhỏ, ngắn, chỉ xuất hiện khi rặn đại tiện. Đại tiện xong, khi đứng dậy khối sa biến mất vào trong lòng ống hậu môn trực tràng.

- Về sau khối sa mỗi ngày một to. Khối sa xuất hiện mỗi lần đại tiện. Đại tiện xong khối sa không tự mất đi mà phải dùng tay nhẹ nhàng đẩy lên.

- Sau nữa mỗi khi đi lại nhiều lần hay khi ngồi xổm, khối sa lại xuất hiện, phải dùng tay đẩy lên. Đẩy lên rồi lại tụt xuống.Khi khối sa thường xuyên hay gần thường xuyên nằm ở ngoài thì ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt hàng ngày và làm giảm năng suất lao động.

Đại tiện ra máu

Máu chảy mỗi khi đại tiện, máu dính vào phân hay dính vào giấy lau. Máu đỏ tươi. Máu chảy gần như thường xuyên nhưng chảy rất ít, không ảnh hưởng tới sức khỏe nên không làm bệnh nhân lo ngại, chính vì vậy mà bệnh nhân không tới bệnh viện sớm.

Triệu chứng thực thể

Nhìn

Nhìn hậu môn có thể không thấy gì khác thường hoặc thấy ngay một khối. Nếu nhìn không thấy gì, yêu cầu bệnh nhân vào phòng vệ sinh, ngồi trên bàn cầu và rặn đại tiện. Vừa mới rặn nhẹ đã xuất hiện một khối.

Khối sa có hình nón cụt. Đáy ở hậu môn, đường kính khá lớn 7-8 cm. Đỉnh ở phía ngoài, ở giữa đỉnh có một lỗ, lỗ này chính là lòng ruột. Chiều cao của khối sa có khi 1-2 cm, có khi 10-15 cm, trung bình 7-10 cm. Khi dài, ở tư thế ngồi xổm, đỉnh khối sa chạm mặt đất. khối sa có màu hồng đỏ của niêm mạc ruột. Từ đáy tới đỉnh có nhiều niêm mạc vòng tròn đồng tâm.

Trên mặt khối sa thường có chất nhầy bám. Chất nhầy này làm cho đũng quần bệnh nhân luôn ẩm ướt. Trên mặt khối sa có thể có một vài chỗ lở loét do đụng chạm, cọ sát.

Khi khối sa bị nghẹt thì phù nề, màu hồng tươi trở thành màu tím ngắt, rớm máu. Để muộn có thể bị hoại tử từng mảng, lở loét, nhiễm trùng.

Sờ nắn

Khối sa mềm. Trong sa trực tràng đơn thuần, sờ được một rãnh tạo nên bởi ống hậu môn và khối sa. Rãnh hình vòng tròn trọn vẹn, chạy theo đáy khối sa. Trong sa hậu môn trực tràng không sờ thấy rãnh này.

Thăm trực tràng

Đẩy khối sa trở lại vào trong lòng ruột. thăm trực tràng để đánh giá tình trạng cơ thắt. Nếu cần thiết yêu cầu bệnh nhân thót đít. Tỉ lệ cơ thắt bị nhão không nhiều.

Thể trạng

- Có thể là những trẻ em suy dinh dưỡng

- Có thể là các cụ già gầy ốm suy kiệt

Nhưng cũng có thể bệnh nhân là những người to béo, mập mạp, khỏe mạnh, vạm vỡ, lực lưỡng.

Tham khảo thuốc:

Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Lý do làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
-3 Cảnh báo bệnh lý từ màu nước tiểu
-4 Rửa tay quá nhiều có thể là biểu hiện của bệnh OCD
-5 Trẻ sơ sinh dễ bị điếc, thần kinh vì mắc bệnh vàng da

Theo GDVN

Comments