Hạn chế cho con ăn mà trẻ vẫn béo phì
(Giúp bạn)Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.
Trẻ dù hạn chế ăn vẫn béo phì?
Trả lời trên VnEpress, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường cho biết, trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng vượt quá nhu cầu nhất là năng lượng từ chất béo. Tuy nhiên ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ.
Trong trường hợp trẻ ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Trẻ thường dành thời gian cho hoạt động tĩnh tại như xem TV, đọc chuyện, chơi điện tử... mà ít luyện tập thể dục thể thao.
Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.
Nên hạn chế các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ). Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán.
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Và cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đồng thời, các cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ... hạn chế xem TV, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ.
Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ
Theo Báo Sài Gòn giải phóng Online, tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng nhanh chóng liên quan đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Đô thị hóa, công nghiệp hóa làm thay đổi lối sống theo chiều hướng bất lợi cho sức khỏe, chủ yếu là dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể chất. Trẻ em đang chịu nguy cơ tăng cân do xu hướng các gia đình ít con lại có điều kiện kinh tế nên chăm chút cho con mình nhiều hơn.
Hơn 90% trường hợp thừa cân béo phì có nguyên nhân nguyên phát chủ yếu từ môi trường, cách nuôi dưỡng, một số rất ít do các nguyên nhân thứ phát như: di truyền, nội tiết, thần kinh, thuốc...
- Do quan niệm sai lầm trong nuôi dưỡng ngay từ khi trẻ còn nhỏ:
+ Trẻ không được bú mẹ do mẹ bận đi làm, mẹ lo lắng khi trẻ không tăng cân nhanh như trẻ bú bình...
+ Nỗi lo sợ của cha mẹ về “suy dinh dưỡng” nên ép trẻ ăn quá nhiều, không tôn trọng cảm giác no của trẻ.
+ Tư tưởng thích con bụ bẫm, cho rằng trẻ bụ bẫm mới dễ thương, trẻ mập mới khỏe, áp lực nuôi con phải bụ bẫm mới thể hiện sự chăm sóc chu đáo... nên thường cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu.
+ Nhiều người còn quan niệm trẻ nhỏ nuôi cho mau lớn để dành khi ốm đau sụt cân là vừa, hoặc trẻ nhỏ phải mập mạp, sau này cao lên ốm lại là vừa...
- Một số phụ huynh dù con bị thừa cân béo phì vẫn cho rằng đây là lợi thế, vẫn muốn con tăng cân thêm nữa và tiếp tục cho trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu.
- Công nghệ chế biến và quảng cáo thực phẩm theo hướng bất lợi cho sức khỏe nhưng lại tiện lợi, các món ăn nhanh rất ngon nhưng lại giàu năng lượng, nhiều đường, muối như gà rán, xúc xích, thịt nguội, bánh, kẹo, nước ngọt..
- Môi trường sống chật hẹp, hạn chế vận động kết hợp phương tiện giải trí ngày càng phát triển và dễ dàng tiếp cận như game, ti vi, internet... làm trẻ dành thời gian hoạt động tĩnh tại nhiều hơn...
Hệ lụy từ tình trạng béo phì ở trẻ
Hậu quả của thừa cân béo phì lên đời sống của trẻ rất lớn. Về mặt sức khỏe, nhiều nghiên cứu cho thấy nếu trẻ béo phì có cân nặng > 200% so với cân nặng lý tưởng sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp 12 lần, tử vong tăng cao khi béo phì kèm tăng mỡ bụng.
Béo phì là nguy cơ của bệnh đái tháo đường, bệnh lý tim mạch cũng như các biến chứng khác như ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn hô hấp, bệnh lý sỏi mật, ung thư, bệnh xương khớp và da...
Trẻ béo phì dễ có nguy cơ dậy thì sớm hoặc rối loạn kinh nguyệt, có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản cũng như hạn chế về chiều cao... trẻ béo phì còn có nguy cơ trở thành người lớn béo phì.
Về mặt cảm xúc, trẻ béo phì dễ có nguy cơ tự ti, không hài lòng về hình dáng, dễ stress, trầm cảm...Về mặt xã hội: Trẻ có nguy cơ bị kỳ thị, chọc ghẹo, bắt nạt...
Thừa cân béo phì đang là mối nguy về sức khỏe cho cả cộng đồng với tốc độ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở trẻ em vì nó ảnh hưởng lên tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe của cả một thế hệ.
Phòng chống thừa cân béo phì gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt là gia đình của trẻ. Cần có sự thay đổi nhận thức, quan niệm, hiểu đúng về sự tăng trưởng phát triển bình thường của trẻ, tạo thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống năng động ngay từ khi còn nhỏ cho đến trưởng thành.
Thuốc tham khảo: Cốm trẻ em Upkid Bổ sung Kẽm và Selen có nguồn gốc thực vật giúp tăng cảm nhận mùi vị,kích thích quá trình hấp thụ dinh dưỡng, hết biếng ăn ở trẻ, tăng cường hệ miễn dịch. |
Thùy Linh
Theo GDVN