Bệnh nấm móng
(Giúp bạn)Nấm móng là một bệnh ngoài da thường gặp. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là do vi nấm sợi tơ và nấm men.
Theo Người đưa tin, nấm móng dùng để chỉ chung nhóm bệnh có những bất thường trên bề mặt phiến móng hoặc bị hư móng. Thông thường các móng bị dày lên, sần sùi, khô ráp, sờ vào cứng và hơi đau. Màu của móng trở nên vàng xỉn hoặc thâm đen. Khi bệnh nhân cầm nắm hoặc các thao tác bằng tay có chạm đến móng thì đau, nhất là khi ấn vào đầu móng. Nhiều người hay bị tình trạng các móng tay liên tục bị tách ra khỏi thịt, nhìn vào thấy sau lớp móng là phần da thịt có một lớp sừng màu trắng nhạt giống như phần trên cùng của móng tay.
Triệu chứng của bệnh nấm móng
Khi nhiễm nấm móng, bệnh có thể kéo dài vô thời hạn nếu không được điều trị kịp thời. Khi bắt gặp các dấu hiệu ban đầu như thấy xuất hiện các điểm nhỏ màu vàng hoặc tráng dưới các đầu ngón tay, bạn nên đi khám ngay. Khi bệnh tiến triển, có thể thấy móng tay dày lên nhưng giòn, xốp, dễ bị bóp méo hình. Về màu sắc, móng trở nên tối hơn.
Vnexpress dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM, cho biết, nấm móng thường xuất hiện trên những móng bị chấn thương và có thể lây từ người này sang người khác. Nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời dễ đưa đến những biến chứng tại chỗ cũng như toàn thân, đặc biệt là trên người bị suy giảm miễn dịch, tiểu đường, lớn tuổi.
Nguyên nhân gây nấm móng
Các vi sinh vật có mặt ở hầu hết các nơi trong tự nhiên, đặc biệt là môi trường ẩm ướt. Qua một vết thương nhở ở ngón tay, các vi sinh vật có hại có thể xâm nhập vào da và gây bệnh nấm móng. Tuy nhiên, bệnh chỉ xuất hiện khi móng tay, chân liên tục tiếp xúc với không khí ẩm và ấm - điều kiện thích hợp cho nấm phát triển và lây lan. Những người hay tiếp xúc với hoá chất mà không dùng găng tay bảo vệ cũng dễ nhiễm nấm. Bệnh dễ xuất hiện ở móng chân hơn nấm móng tay.
Ngoài ra, nấm móng cũng có thể do thiếu vitamin, chủ yếu là vitamin B.
Biến chứng của bệnh nấm móng
Sức khỏe & đời sống cho biết, bệnh nấm móng tay, chân có thể gây đau và tổn thương vĩnh viễn cho các móng. Khi người bệnh có hệ thống miễn dịch yếu, nấm có thể lan rộng ra khỏi cả bàn chân, bàn tay gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Những người suy giảm miễn dịch mắc thêm bệnh nấm móng có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng. Bệnh có thể làm việc lưu thông máu gặp khó khăn và gây hại cho tế bào. Vì thế, nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, có HIV/AIDS,… cần đến khám, chữa trị kịp thời.
Điều trị nấm móng
Thạc sỹ Vũ Thị Lừu, chuyên khoa Nội-Tiêu hóa, bệnh viện E nhận định bệnh nấm móng tay khá khó khăn trong việc chữa trị, bệnh có thể tái phát nếu móng không được chăm sóc đúng cách.
Việc điều trị không đúng sẽ móng bị viêm ngày càng nặng và lan sang các móng khác. Người bệnh hàng ngày phải giữ gìn móng sạch sẽ, tiến hành các công việc vệ sinh, giữ móng khô ráo. Tuyệt đối không được nạo hoặc cạy rìa móng khi mang bệnh, nấm có thể dễ dàng xâm nhập sâu, trở thành nấm nội tạng, gây ra những bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Khi tiếp xúc với các khu vực ẩm ướt cần mang đồ bảo vệ, sau đó vệ sinh lại sạch sẽ.
Phòng bệnh nấm móng
Để ngăn bệnh nấm móng tấn công hoặc tái phát, bạn cần giữ móng chân, tay luôn khô và sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tắm. Không nên để móng dài cũng như không cắt sâu vào phần thịt. Cần thay tất (vớ) thường xuyên. Sau một ngày đeo tất nên để chân được thông thoáng. Sau khi chạm vào người bệnh, bạn cần rửa tay sạch sẽ để phòng tránh việc lây bệnh.
Những người có sở thích làm móng nên lựa chọn địa điểm uy tín, chất lượng. Rèn luyện thể dục thể thao, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Việc này không chỉ ngăn ngừa nấm xâm nhập mà còn giúp phòng chống nhiều bệnh khác.
Tham khảo thuốc: 3b – Medi: Bổ sung các vitamin nhóm B cho cơ thể. Với liều cao dùng để điều trị các chứng đau nhức do các bệnh lý thần kinh, bệnh yếu cơ... |
Trà Mi
Theo GDVN