Hướng dẫn những triệu chứng bạn nữ cần biết về cơ thể (P1)
(Giúp bạn)Ngoài bản năng chính là sinh nở và nuôi dạy con, người phụ nữ còn có một bản năng phụ là xem xét thông điệp cơ thể của mình. Bạn thường liên tưởng đến chứng đau dạ dày nếu thường đau bụng và ợ hơi, đau bụng mỗi kỳ kinh và buồn phiền, căng thẳng thường được quy về hội chứng PMS ( tiền kinh nguyệt)… Bạn nên lưu ý một số triệu chứng sau:
- 1
Bị đau khi quan hệ
Nếu bạn cảm thấy bị đau khi bắt đầu quan hệ, thủ phạm có thể là thiếu sự khơi gợi cần thiết, bị khô âm đạo, viêm nhiễm… điều này thường xuất phát từ việc hóc môn nữ bị hạ thấp sau khi sinh và suốt thời kỳ cho con bú. Bác sĩ có thể cho một loại kem bôi tăng cường hóc môn hoặc đề nghị bạn dùng một loại dầu bôi trơn âm đạo.
Đau khi quan hệ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác ngoài nguyên nhân do thiếu hóc môn bình thường.
Nguyên nhân đau rát cũng có thể là do sinh mổ, mặc dù vết mổ sẽ lành trong vòng khoảng 2 tháng nhưng những tháng kế tiếp bạn sẽ vẫn cảm thấy đau khi giao hợp. Tuy nhiên, có khi cơn đau đến sau khi quan hệ lại có thể có ý nghĩa hoàn toàn khác. Bác sĩ y khoa Donna Sweet, giáo sư khoa nội của Đại học Y Kansas tại Wichita cho biết: “Nếu quan hệ tình dục diễn ra một cách êm thấm từ đầu nhưng cơn đau lại diễn ra đúng lúc cao trào hoặc dồn dập trong suốt khi quan hệ, thì nguyên nhân phổ biến nhất là sự phát triển của các khối u nang hoặc do u bướu lành hay ác ở trong âm đạo, tử cung hoặc buồng trứng.”Nếu cơn đau diễn ra khi quan hệ có chiều hướng tập trung vào trước kỳ kinh thì rất có thể đó là bệnh lạc nội mạc tử cung. Đừng chủ quan và bỏ qua những biểu hiện bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để siêu âm ổ bụng và được hướng dẫn điều trị đúng cách để tránh biến chứng về sau.
- 2
Mệt mỏi
Làm mẹ, hẳn nhiên bạn sẽ mệt mỏi! Chắc chắn bạn cũng vừa trồi sụt vài cân kể từ lúc có con, giờ giấc ăn uống của bạn trở nên thất thường. Không những thế, kỳ hành kinh của bạn gặp phải đôi chút “vô tổ chức”, hóc môn trong cơ thể thì cứ như một con lăn tụt dốc.
Ngoài những yếu tố ấy, bạn cần lưu tâm đến tuyến giáp, một tuyến nhỏ chuyên sản xuất hóc-môn nằm ở họng giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Christine Laine, bác sĩ Y khoa, phó tổng biên tập tờ Annals of Internal Medicine cho biết: “Người ta rất dễ coi nhẹ sự mệt mỏi và lên xuống cân nặng, bởi lẽ những điều này quá thông thường ở các bà mẹ nuôi con nhỏ.” Chứng bệnh về tuyến giáp này thường chỉ biểu hiện ở những phụ nữ từ 20 – 40 tuổi sau thời gian mang thai.
Có hai biểu hiện bệnh về tuyến giáp là cường giáp và suy giáp, có thể đo được nồng độ của hóc-môn điều chỉnh tuyến giáp (TSH). Nhưng ban đầu bạn cần phải nhận biết những triệu chứng. Một tuyến giáp suy giảm chức năng có thể gây ra những triệu chứng như hành kinh thất thường, mệt mỏi, tăng cân không giải thích được, và cũng có khi là chứng táo bón. Bạn có thể được chữa trị dễ dàng bằng việc uống thuốc tăng hócmôn tuyến giáp theo toa.
Một tuyến giáp hoạt động quá mạnh (cường giáp) thường dẫn đến tiêu chảy, lo lắng, hay những lần hành kinh rất nhiều và bất thường. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật, dùng thuốc làm giảm mức độ hóc-môn tuyến giáp hoặc kích hoạt phóng xạ I-ốt để phá hủy tuyến giáp – cách này thường kèm theo sử dụng các loại thuốc thay thế một lượng hóc-môn tuyến giáp thích hợp.
- 3
Khát nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường
Đây là những triệu chứng thông thường của bệnh tiểu đường tuýp 2, là căn bệnh mà cơ thể dần dần mất đi độ nhạy với insulin, dẫn đến lượng đường huyết cao không tốt cho sức khỏe. Tỉ lệ mắc tiểu đường tuýp 2 đang tăng vọt, và đối với phụ nữ, bệnh này thường được chẩn đoán trong những năm sau khi sinh.
Nguyên nhân chủ yếu là do béo phì, cân nặng tăng nhanh vì mang thai. “Một vài phụ nữ tăng cân rất nhiều trong thời kỳ mang thai và không thể giảm lại như cũ, và việc tăng cân quá mức này khiến họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường,” bác sĩ Sweet cho biết. (Ngược lại, với tiểu đường tuýp 1, một bệnh tự miễn nhiễm xảy ra ở những cơ thể mất khả năng tạo ra insulin, bệnh thường được phát hiện trong thời thơ ấu và tuổi thanh niên.). Nếu mắc tiểu đường trong khi mang thai, bệnh sẽ hết sau sinh nhưng dễ tái phát vào những năm sau đó. Vậy nên cần tích cực tập thể dục, cân đối dinh dưỡng hợp lý sau sinh để tầm soát bệnh.
- 4
Sự thay đổi ở da, xuất hiện nốt ruồi
Ung thư hắc tố melanoma – loại ung thư da nguy hiểm nhất – khi phát hiện sớm, có 90% khả năng chữa trị. Nhưng nếu bệnh di căn đến những u bạch huyết hay xa hơn, khả năng sống sót giảm xuống đến dưới 50%.
Chúng ta rất dễ không chú ý đến một nốt ruồi nhìn có vẻ đen hơn một chút. Điều này xảy ra nhiều sau khi mang thai, liên quan đến các sự thay đổi hócmôn. Một số loại thuốc dùng để tránh thai cũng có thể làm thay đổi cấu trúc và màu sắc của nốt ruồi trên cơ thể.
Bác sĩ Laine khuyến cáo: “Bất cứ khi nào có một nốt ruồi thay đổi, bạn cũng nên đến bác sĩ da liễu để kiểm tra.” Hãy theo thứ tự ABCD (dùng để phát hiện ung thư hắc tố melanoma), khi bạn để ý đến làn da của mình:
- Asymmetry : Hãy tìm kiếm sự bất đối xứng ( nốt ruồi có hình dạng bất thường thay vì hình tròn hay hình ôvan như bình thường);
- Border : Đường viền (nốt ruồi có đường viền gợn sóng và không rõ nét);
- Color : Màu sắc (các nốt ruồi có nhiều màu sắc, với những mảng nhỏ màu nâu, đen, đỏ, thậm chí là màu xanh nhiều hơn là màu nâu tuyền của một nốt ruồi bình thường);
- Diameter : Đường kính (lớn hơn đường kính đầu gôm của bút chì cỡ chuẩn).
Bên cạnh đó, nếu nốt ruồi gây ngứa, chảy máu hoặc đau, hãy đi kiểm tra ngay.