Hướng dẫn sơ cấp cứu các tai nạn thường gặp

23:13 10/02/2014

(Giúp bạn)Các tai nạn thường gặp trong gia đình nếu biết cách sơ cấp cứu ban đầu có thể hạn chế các tổn thương, thậm chí có thể cứu sống người bị nạn.

  • 1
    Bỏng

    Bỏng do nhiều nguyên nhân: bàn là nóng, bô xe máy, cháy nổ bình ga, hỏa hoạn, nước sôi, hơi nước nóng, điện, hóa chất sinh hoạt, bức xạ...

    Khi bị bỏng, cần quan sát thật kỹ và tùy theo nguyên nhân mà xử trí. Nên lưu ý trong những trường hợp phức tạp, phải bình tĩnh xem xét một cách tổng quát để giúp đỡ nạn nhân tốt nhất và tránh việc mình trở thành nạn nhân. Đảm bảo hiện trường an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân, đặc biệt khi nguyên nhân bỏng là do hóa chất, phóng xạ, cháy nổ...

    Sau đó tiến hành sơ cứu theo thứ tự ưu tiên. Nếu nạn nhân có vấn đề về đường thở, chấn thương cột sống, chảy máu cần phải tiến hành xử trí trước. Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng uống bù nước.

    Xử trí vết thương nhanh chóng, nhẹ nhàng tránh đau cho nạn nhân. Cách xử trí bỏng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

    Ví dụ bỏng do nhiệt là loại hay gặp nhất, chiếm từ 60 đến 75% các loại bỏng, nguyên nhân do lửa, nước sôi, tiếp xúc vật nóng. Công tác sơ cứu cần tiến hành tuần tự các bước dưới đây:

    Bước 1: Loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng...

    Bước 2: Việc sử dụng nước sạch để làm mát vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Nếu không thể ngâm cơ thể vào nước mát, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng, tiến hành khoảng 15 đến 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể.

    Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

    huong-dan-so-cap-cuu-cac-tai-nan-thuong-gap-1

    Lưu ý: Da có xu hướng giữ nhiệt làm cho vết thương trở nên nặng nề hơn. Do đó nguyên tắc quan trọng trong xử trí bỏng là làm mát ngay vùng da bị bỏng.

    Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng, không làm tổn thương các nốt phỏng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng về sau, không bôi kem hoặc chất nhờn lên chỗ bỏng. Nếu bỏng mắt, không được dụi mắt. Không cần cố gắng lấy dị vật ra khỏi chỗ bỏng.

    Để phòng ngừa tai nạn bỏng, bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh khuyên gia đình nên sắp xếp các vật dụng trong bếp như: phích nước, nồi canh, cơm nóng ở những nơi an toàn để tránh nguy cơ bị hỏa hoạn, cháy, nổ, điện giật; quản lý, sử dụng hóa chất sinh hoạt, chất tẩy rửa, hóa chất công nghiệp đúng quy định, an toàn; để xa tầm tay trẻ em và không để trẻ chơi những đồ dùng, hóa chất có nguy cơ gây bỏng.

  • 2
    Vết thương chảy máu

    Nguyên nhân thường do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt, các vật sắc nhọn đâm vào da, phần mềm, xương bị gãy đâm ra ngoài làm rách da, phần mềm, rách, đứt mạch máu, dập nát chân tay...

    Khi bị chấn thương này thường thấy những dấu hiệu sau: rách hoặc dập nát da, phần mềm; máu chảy từ vết thương ra ngoài da... Dấu hiệu toàn thân: vã mồ hôi, lạnh run, da xanh tái. Vết thương gây chảy máu, nếu mất máu nhiều sẽ dẫn đến choáng/sốc, bất tỉnh, tử vong.

    Nếu gặp vết thương đang chảy máu không có dị vật, ta tiến hành sơ cứu như sau:

    - Đeo găng tay cao su, bọc nilon hay vật dụng thay thế (để tránh lây bệnh truyền nhiễm từ bệnh nhân nếu có).

    - Dùng gạc, vải sạch, ép trực tiếp lên vết thương và giữ chặt để cầm máu.

    - Băng ép trực tiếp tại vết thương.

    - Kê cao chân, ủ ấm để phòng choáng.

    - Đỡ nạn nhân nằm (để đầu thấp) để làm giảm lượng máu chảy đến các vết thương.

    - Kiểm tra đầu chi sau khi băng.

    - Nếu máu vẫn chảy thấm qua băng thì băng chồng lên bằng băng khác.

    Đối với vết thương chảy máu có dị vật thì xử lý theo hướng dẫn sau:

    - Không rút dị vật.

    - Mang găng tay.

    - Ép chặt mép vết thương.

    - Chèn băng, gạc quanh dị vật và băng cố định (không băng trùm qua dị vật).

    - Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

    Với loại vết thương dập nát, đứt chi thì tiến hành sơ cứu như sau:

    - Garo cầm máu (quấn thật chặt) cách trên vết thương 3-5 cm.

    - Xoắn garo từ từ cho đến khi máu hết chảy.

    - Cho nạn nhân nằm đầu thấp, chân cao.

    - Ủ ấm cho nạn nhân.

    - Ghi nhận rõ giờ làm garo. Cứ 15 phút lại nới lỏng garo khoảng vài giây.

    - Đưa người bị nạn đến bệnh viện (để nạn nhân ở tư thế nằm, không nên vận chuyển bằng xe máy).

    Trong quá trình sơ cứu không nên: làm garo (xoắn chặt) nếu không phải là vết thương dập nát hoặc đứt lìa, chảy nhiều máu; không nên vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế ngay mà nên sơ cứu tại chỗ trước để hạn chế thương tổn. Trong một số trường hợp bất khả kháng, chỉ nên vận chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường khi hiện trường không an toàn; không được tự ý rút dị vật trong vết thương ra ngoài

  • 3
    Bong gân, trật khớp

    Do tai nạn trong lao động, sinh hoạt, giao thông, thể thao..., bộ phận bị thương có những dấu hiệu như: đau, khó cử động, sưng, phù nề, bầm tím, biến dạng.

    Các bước sơ cứu bong gân như sau:

    - Hạn chế cử động chỗ bong gân.

    - Băng, ép nhẹ vùng bong gân.

    - Chườm đá vùng tổn thương

    - Sau khi băng hỏi nạn nhân có tê các đầu chi không để điều chỉnh độ mở của băng phù hợp. Cần quan sát xem các đầu chi có tái nhợt không. Nếu có thì băng lỏng hơn.

    - Tập vận động ngay sau khi bớt đau. Trường hợp nặng cần đến bệnh viện để xử lý.

    Đối với tai nạn trật khớp:

    - Không cử động khớp bị trật.

    - Chườm lạnh vùng tổn thương.

    - Cố định khớp tư thế mà khớp đang ở vị trí sai lệch.

    - Trật khớp vùng tay có thể cố định bằng cách cột tay vào thân người, dùng chính thân người làm trụ.

    - Vật cố định nâng đỡ cho tay.

    - Đưa nạn nhân đến bệnh viện

    Cần lưu ý: Không nên thoa bóp dầu nóng và không nên cố gắng nắn khớp.

Comments