Hướng dẫn tránh những sai lầm nguy hiểm khi sơ cứu
(Giúp bạn)Ai cũng có kiến thức nhất định về sơ cứu trong trường hợp khẩn cấp nhưng đôi khi một số cách làm lại khiến mọi việc tồi tệ hơn. Hãy đặt mình vào trắc nghiệm dưới đây và tự hỏi: Mình sẽ làm gì nếu gặp phải tình huống đó?
- 1
Trẻ bị bỏng
Nhiều người vội vàng dùng nước đá hay dầu ăn để chườm, rồi nhanh chóng cởi bỏ quần áo của trẻ
Đó đều là những cách không đúng. Các loại dầu mỡ có thể tổn hại đến vùng da rất nhạy cảm này, còn nếu quần áo hay các vật liệu khác mắc kẹt vào vết bỏng sẽ có thể kéo cả vùng da non đó lên. Phản ứng đúng là rửa nhẹ bằng nước lạnh (không nhất thiết phải là nước có đá) rồi bôi qua thuốc mỡ kháng sinh. Nếu vết bỏng ở mặt hoặc phồng rộp lên, nên đến ngay phòng cấp cứu.
- 2
Gặp người lên cơn động kinh
Mỗi người lại có quan niệm khác nhau:
Di chuyển đến nơi khác, cố để họ mở miệng bằng cách cho họ ngậm gì đó hoặc đơn giản là chờ đợi cho cơn động kinh qua. Một lần nữa, những sai lầm trong việc sơ cứu có thể khiến người bệnh bị thương nặng hơn. Giữ cho miệng mở hay di chuyển đến chỗ khác có thể dẫn đến chấn thương như rách cơ. Chỉ đưa họ đi chỗ khác nếu đó là nơi không an toàn, người ta có nguy cơ ngã xuống hoặc bị thương. Nên tháo khuy cổ để người đó dễ thở và đừng bao giờ giữ người bệnh nằm yên. Với người đã có tiền sử động kinh, nên gọi cấp cứu khi hiện tượng kéo dài quá 5 phút.
- 3
Bị bong gân vùng mắt cá chân, nên chườm lạnh hay chườm nóng, có phải đi cấp cứu ngay không?
Đây là một chấn thương rất phổ biến mà nhiều người thường bỏ qua phần chăm sóc y tế. Lưu ý quan trọng nhất là phải chườm lạnh. Làm nóng sẽ làm sưng hơn và kéo dài quá trình lành vết thương. Nếu đặt bất kỳ vật nhỏ nào lên chân mà cảm thấy đau, nên đi chụp chiếu để xem có bị rạn xương hay không.
- 4
Bị rắn cắn
Mọi người vẫn cho rằng phản ứng bằng cách:
Cởi áo để quấn vết thương, hút chất độc rồi nhổ đi, lấy con dao nhỏ rạch vết thương cho chất độc thoát ra. Đó đều là những cách không cần thiết và khá nguy hiểm. Nếu dùng dao rạch phải gân hay dây thần kinh thì còn nguy hiểm hơn trong khi miếng ga-rô hạn chế lưu thông máu, có thể dẫn đến mất chi. An toàn nhất là ngay lập tức nẹp vết thương hoặc bọc nó bằng miếng vải sạch rồi đưa đi cấp cứu.
- 5
Trường hợp chảy máu cam, bạn nghiêng về phía trước và véo chặt mũi hay ngả đầu về phía sau sao cho máu không thể chảy ra
Quan trọng hơn, làm thế nào để biết rằng khi nào là nghiêm trọng để cần can thiệp y tế? Thực tế, chảy máu cam không phải là tình huống khẩn cấp nhưng nhiều người không biết cách sơ cứu cho đúng. Nếu nghiêng về phía trước và véo chặt mũi (tránh phần xương sống mũi), bạn đã làm đúng. Khi ngả đầu về phía sau, máu không chảy được ra ngoài nhưng sẽ có thể nguy hiểm nếu dòng máu chảy không ngừng lại nhanh. Nếu chảy máu không ngừng trong vòng 5 phút, nên đi khám.
- 6
Tình huống dùng thuốc quá liều hay gặp phải là đứa con 3 tuổi của bạn uống hết cả lọ thuốc vitamin
Nhiều người nghĩ vitamin là chất bổ thì sẽ an toàn nhưng trường hợp này, nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Trên thế giới, đã có nhiều trường hợp trẻ em chết vì dùng sắt quá liều. Bị ngộ độc nói chung, nên mang theo những sản phẩm đã nuốt vào để tạo điều kiện cho việc xét nghiệm. Hiện đã có một số loại thuốc uống giúp nôn ra nhưng có một số ca ngộ độc hậu quả tồi tệ hơn do nôn mửa và bệnh nhân nôn mửa lại gây khó khăn cho việc điều trị tại bệnh viện.
- 7
Người lớn và trẻ em đều có thể bị nghẹt thở do dị vật mắc kẹt trong họng hay khí quản
Bạn vỗ lưng hoặc đưa cho người đó cốc nước? Phản ứng của bạn phải tùy thuộc vào người bị nghẹn: Nếu ho dữ dội và có thể nói một chút, đó là tắc nghẽn một phần; Nếu chỉ gật hoặc lắc đầu, thậm chí khó thở, da mặt chuyển sang màu xanh hoặc nâu sẫm, không nên cho họ uống nước vì chất lỏng sẽ bít nốt phần không khí ít ỏi có thể lưu thông.
Với người bị tắc nghẽn hoàn toàn, kỹ thuật Heimlich là cần thiết: Vòng tay từ sau lưng, đặt tay lên ngay trên rốn và giật cứng vào bụng theo hướng lên trên như thể nhấc người lên. Kỹ thuật này không làm với trẻ dưới 1 tuổi. Riêng trẻ sơ sinh cho nằm úp trên cẳng tay với đầu thấp hơn thân rồi lấy hai ngón tay đặt giữa xương ức của trẻ để ép vào ngực 5 lần. Nếu người bị nạn bất tỉnh cần gọi cấp cứu đồng thời làm hô hấp nhân tạo.