Lựa chọn kháng sinh điều trị bệnh viêm màng não
(Giúp bạn)Trong điều trị bệnh viêm màng não, cần lựa chọn những kháng sinh có thể đi qua hàng rào máu não để có thể tác động vào vi khuẩn.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, viêm màng não là bệnh chứng do viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống. Đa số là do vi trùng hay siêu vi trùng từ nơi khác trong cơ thể qua máu lan vào dịch não tủy, nhưng một số rất ít cũng có thể do loại nấm hay ký sinh trùng.
Một số khác do phản ứng với hóa chất hay bệnh tự miễn nhiễm. Viêm màng não khác với viêm não ở chỗ chưa thực sự viêm vào tới não bộ. Triệu chứng điển hình của viêm màng não là đau đầu, nóng sốt, cứng cổ, buồn ói, sợ ánh sáng.
Viêm màng não do siêu vi trùng thường khỏi trong vòng vài ngày, nhưng nếu do vi trùng bệnh có thể rất trầm trọng và gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, trong bệnh viêm màng não, việc dùng thuốc kháng sinh là điều bắt buộc, thậm chí phải dùng sớm, ngay từ đầu để hạn chế biến chứng. Tuy nhiên, khi dùng kháng sinh trong trường hợp này có một cấu trúc cản trở tới việc dùng thuốc, đó là hàng rào máu não.
Hàng rào máu não là một cấu trúc có tác dụng bảo vệ não bộ, chống lại tuyệt đối sự xâm nhập của các tác nhân lạ từ bên ngoài. Nó gồm ba lớp là tế bào nội môi, màng nền và tế bào màng não. Vì não là bộ phận tối quan trọng nên nó ngăn chặn tất cả mọi tác nhân, kể cả thuốc.
Do đó không phải tất cả mọi kháng sinh đều có thể sử dụng để điều trị, cho dù bình thường kháng sinh đó là rất mạnh và rất hữu hiệu. Trong điều trị bệnh viêm màng não, nên lựa chọn những kháng sinh có thể đi qua hàng rào máu não để có thể tác động vào vi khuẩn.
Những kháng sinh này phải có đặc điểm: kích thước phân tử nhỏ, ưa mỡ và hạn chế biến chứng trên thần kinh.
Các kháng sinh dùng điều trị bệnh viêm màng não
+ Nhóm thứ nhất là kháng sinh dòng cephalosporin: Nhóm kháng sinh này các thế hệ trước đây vốn là những kháng sinh ưa nước, rất dễ hòa tan trong nước nên hầu như khó tan trong mỡ. Do vậy mà về cơ bản không đi qua được hàng rào máu não.
Tuy nhiên, do sự cải tiến các thế hệ về sau, các thế hệ mới hơn của kháng sinh cephalosporin có tính năng vừa tan trong nước lại vừa tan trong mỡ. Các thế hệ này có thể đi qua hàng rào máu não mức độ trung bình. Cho nên, nếu dùng nhóm này chỉ nên dùng thế hệ 3 và 4 mà không dùng thế hệ 1 và 2.
Các kháng sinh thế hệ 3 và 4 có thể dùng là cefelidine, cefepime, cefluprenam, ceftriaxone. Khi dùng nhóm này hết sức chú ý biến chứng gây co giật ở thần kinh trung ương. Thực tế lâm sàng cho thấy, có khoảng 33% trẻ em bị co giật do thuốc khi dùng nhóm này.
+ Nhóm thứ 2 là kháng sinh nhóm florourquinolon: Các kháng sinh nhóm florourquinolon có đặc điểm là ái mỡ và dễ đi qua màng tế bào, nên có thể đi vào não với nồng độ tương đối cao. Kháng sinh này hữu dụng trong điều trị viêm não do tụ cầu, liên cầu, E.coli… nhưng lại kém nhạy cảm với viêm màng não do phế cầu khuẩn.
Nếu tìm được bằng chứng sự có mặt của phế cầu khuẩn thì không nên dùng kháng sinh này. Chú ý không dùng với trẻ em do tác dụng phụ trên hệ thống xương sụn.
+ Nhóm thứ 3 là kháng sinh chloramphenicol: Chloramphenicol là một kháng sinh ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Chúng làm rối loạn sự tổng hợp protein của vi khuẩn do gắn vào tiểu phân 50S của riboxom.
Đặc điểm của kháng sinh này là ái tính với mỡ và kích thước phân tử nhỏ nên dễ đi vào thần kinh trung ương. Kháng sinh này tác dụng mạnh với vi khuẩn gây viêm màng não loại H influenza, cầu khuẩn màng não, phế cầu khuẩn.
Cần chú ý tai biến thuốc có thể gây hội chứng xanh xám trên trẻ em. Thận trọng với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, tuyệt đối không dùng với trẻ dưới 2 tuổi.
+ Nhóm thứ 4 có cùng đặc tính như chloramphenicol là tetracyclin: Kháng sinh tetracyclin có hai đặc điểm phù hợp với cấu trúc thần kinh, đó là ái tính với mỡ và có kích thước phân tử nhỏ.
Dùng thuốc này khi nghi ngờ viêm màng não do E.coli, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lỵ… nói chung là những vi khuẩn đường tiêu hóa. Chú ý biến cố trên men răng có thể làm hỏng men răng trẻ em và thai nhi. Thận trọng với người bị viêm gan.
+ Nhóm thứ 5 là kháng sinh macrolid: Nhóm kháng sinh này có ái tính mạnh với mỡ. Thuốc thuộc loại đi qua hàng rào máu não mức độ trung bình. Không nên dùng như một thuốc chính mà chỉ nên coi như là thuốc dùng phối hợp.
Lưu ý là thuốc có tác dụng kém với phế cầu khuẩn, nên nếu người bệnh bị viêm màng não do phế cầu khuẩn thì đây không phải là thuốc ưu tiên.
+ Nhóm thứ 6 nên lựa chọn là sulfonamid và trimethoprim: Các phân tử sulfonamid và trimethoprim có kích thước nhỏ, ái tính với mỡ lại gắn vừa phải với protein nên có thể đi qua hàng rào máu não dễ dàng.
Đây là hai kháng sinh thuộc dạng kìm khuẩn được dùng để điều trị viêm màng não do phế cầu, liên cầu, vi khuẩn đường ruột. Chú ý là có thể bị thiếu máu cấp tính nếu dùng liều cao.
Thuốc tham khảo: Trimethoprim Có tác dụng kìm khuẩn, ức chế enzym dihydrofolate-reductase của vi khuẩn. |
Thùy Linh
Theo GDVN