Những lưu ý khi dùng thuốc lợi tiểu furosemid

15:25 14/04/2015

(Giúp bạn)Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng sự đào thải muối và nước ở thận, làm người uống thuốc đi tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên không nên sử dụng thuốc tùy tiện, nếu không sẽ gây ra rối loạn trong cơ thể thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Chú ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu furosemid

Theo Sức khỏe và Đời sống, furosemid là thuốc lợi tiểu. Nhưng đối với những bệnh nhân bị phù phổi cấp; phù do tim, gan, thận hay các loại phù khác; hoặc bệnh nhân bị tăng huyết áp khi có tổn thương thận… nhất thiết phải dùng nhóm lợi tiểu này.

Trong điều trị tăng huyết áp, furosemid không phải là thuốc điều trị chính mà phải phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác để điều trị. Không dùng furosemid để điều trị chống tăng huyết áp cho người cao tuổi (vì việc sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não sẽ nguy hiểm).

Ngoài tác dụng điều trị, thuốc này cũng có những nhược điểm như làm tăng thải trừ những chất điện giải kèm theo tăng bài xuất nước. Bên cạnh đó nó cũng làm tăng đào thải canxi, ma-giê trong cơ thể. Chính vì tác dụng này mà furosemid hay làm mất cân bằng nước và chất điên giải của người bệnh (nhất là khi điều trị liều cao, kéo dài) như: giảm thể tích máu (trong trường hợp liệu pháp điều trị liều cao), giảm kali, natri, ma -giê, can xi trong máu…

Nếu các bệnh nhân thấy có hiện tượng đau đầu, yếu cơ, tụt huyết áp, chuột rút, khát nước, chán ăn, mạch nhanh… trong quá trình sử dụng thuốc thì đó là các dấu hiệu của tình trạng mất cân bằng nước và điện giải. Cần kiểm tra thường xuyên điện giải đồ và bù lại lượng nước, chất điện giải đã mất. Trong trường hợp này, việc bổ sung kali hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ kali là rất cần thiết.

-1

Cũng giống như các thuốc khác, furosemid không được dùng trong một số trường hợp sau:

- Mẫn cảm với thuốc và với các dẫn chất của sulfonamide (như sulfamid chữa đái tháo đường), tình trạng tiền hôn mê gan, vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan.

- Trường hợp người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc đái khó cần thận trọng (vì furosemid có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp).

- Thuốc qua được hàng rào nhau thai vào thai nhi và gây rối loạn nước và chất điện giải cho thai nhi. Vì vậy trong 3 tháng cuối thai kỳ chỉ được dùng furosemid khi không có thuốc thay thế và chỉ với liều thấp nhất trong thời gian ngắn.

Lưu ý khi dùng các loại thuốc lợi tiểu

Báo Tuổi trẻ Online cho biết, mặc dù thuốc lợi tiểu được dùng chủ yếu để chống ứ nước trong cơ thể, nhưng thầy thuốc sẽ căn cứ vào bệnh, tình trạng từng người mà có chỉ định thích hợp.

Thuốc lợi tiểu thường được bác sĩ dùng điều trị bệnh tăng huyết áp và kiểm soát triệu chứng phù do các bệnh suy tim, xơ gan, suy thận. Theo quy chế kê đơn, thuốc lợi tiểu thuộc nhóm chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.

Dùng thuốc lợi tiểu là muốn lấy bớt nước thừa ra khỏi cơ thể, tuy nhiên nếu dùng quá mức có thể gây giảm thể tích dịch cơ thể dẫn đến tụt huyết áp làm chóng mặt, hoa mắt, ngất hoặc hôn mê.

Đối với người bệnh đái tháo đường, nếu lợi tiểu quá mức có thể dẫn đến rối loạn các chất điện giải trầm trọng, làm đường huyết tăng lên rất cao, dễ đưa đến hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu.

-2

Người bệnh cần biết triệu chứng phù là biểu hiện do nhiều bệnh gây ra. Có thể do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, xơ gan, suy thận, suy dinh dưỡng đạm. Phù có thể do dị ứng, viêm, giãn tĩnh mạch, tắc mạch bạch huyết, do có thai chèn ép, tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau... Vì thế, nhất thiết phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được dùng thuốc.

Trong điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đúng liệu trình dùng thuốc do bác sĩ chỉ định, không được tự ý ngưng thuốc dù cảm thấy khỏe hơn. Có người cho rằng dùng thuốc lợi tiểu đi tiểu nhiều làm yếu thận và liệt dương nên không tuân thủ điều trị.

Điều này không nên, chỉ có spironolacton dùng liều cao và lâu ngày có thể gây tình trạng yếu sinh lý, khi ngưng thuốc sẽ hồi phục. Người bệnh nên báo cho thầy thuốc biết tác dụng ngoài ý muốn để thầy thuốc xử trí bằng cách thay thuốc khác, chứ không nên tự ý bỏ thuốc.

Trong cơ thể, chất điện giải natri và kali đồng hành khăng khít với nhau. Các thuốc lợi tiểu thông dụng (nhóm thiazid và nhóm lợi tiểu quai) có tác dụng thải natri đồng thời làm mất kali. Kali rất quan trọng trong co bóp tim và duy trì thể trạng tốt.

Vì vậy, người dùng thuốc lợi tiểu nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để bổ sung kali. Hoặc khi dùng thuốc lợi tiểu mà thấy xuất hiện các triệu chứng như: vọp bẻ, yếu cơ, mệt mỏi, buồn nôn, khát nhiều, bất an, mạch nhanh... thì phải đến bác sĩ khám ngay.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Bà bầu có được uống thuốc prozac không?
-4 Thuốc cam là gì?
-5 Bà bầu có được uống thuốc sertraline không?
-6 Bệnh tự miễn và thuốc điều trị

Theo GDVN

Comments