Lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua

15:11 14/04/2015

(Giúp bạn)Trong sữa chua có các men vi sinh hỗ trợ tiêu hoá giúp bé tiêu hoá và hấp thu thức ăn tốt hơn. Tuy nhiên cần lưu ý một số điểm để giúp cho bé dùng sữa chua hiệu quả hơn.

Thành phần dinh dưỡng có trong sữa chua

Trong 100g sữa chua chứa khoảng 100Kcal (bằng khoảng ½ bát cơm hay 2 trái chuối xanh), có chất đường (15,4g), chất đạm (3,1g), chất béo (3g), canxi và một số loại vitamin. Một số loại sữa chua còn thêm DHA (chất béo không no chuỗi dài) có tác dụng giúp sáng mắt và tăng chỉ số phát triển trí tuệ.

Trong thành phần của sữa chua, các chất đạm, chất béo có sẵn trong sữa đã được tiêu hóa một phần, nên khi bé ăn sữa chua bé sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng này nhanh hơn. Bên cạnh đó, lượng đường lactoza đã được lên men trong sữa chua cũng dễ hấp thu với bé, làm giảm lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa và giúp bé tránh được tiêu chảy. Sữa chua cũng giúp hỗ trợ cho cơ thể bé hấp thu canxi và một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.

-1

Tùy theo độ tuổi mà lượng sữa chua cho bé ăn hàng ngày cũng khác nhau

Tùy theo độ tuổi mà lượng sữa chua cho bé ăn hàng ngày cũng khác nhau

Trẻ ăn sữa chua bao nhiêu một ngày là đủ?

Tùy theo độ tuổi mà lượng sữa chua cho bé ăn hàng ngày cũng khác nhau:

- Bé 6 – 10 tháng tuổi: 50g/ngày.

- Bé 1 – 2 tuổi: 100g/ngày.

- Trên 2 tuổi: 150g/ngày.

Đây chỉ là số liệu trung bình, mẹ có thể nhớ đơn giản bé dưới 1 tuổi chỉ cho ăn một ngày ¼ – ½ hũ sữa chua, 1- 3 tuổi cho ăn ½ hũ đến 1 hũ sữa chua, và trên 3 tuổi thì có thể cho ăn từ 1 đến 2 hũ một ngày.

Nên bắt đầu cho bé ăn sữa chua khi bé được 6 tháng tuổi vì lúc này hệ tiêu hoá của bé đã dần ổn định và có thể hấp thu tốt các vi chất cũng như “chịu đựng” được các lợi khuẩn trong sữa chua.

Nếu cho bé ăn sữa chua quá sớm thì có thể gây ra nguy cơ tiêu chảy cho bé. Và mẹ nên chọn loại sữa chua nguyên kem cho bé là tốt nhất, vì bé cần chất béo để phát triển đầy đủ.

Những điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua

Nước uống sữa chua có thể coi là để giải khát, đồng thời với việc giải khát cũng có giá trị dinh dưỡng nhất định. Nhưng không thể thay thế được sữa chua làm từ sữa bò.

Sữa chua có thể kết hợp với một số thực phẩm khác rất ngon để làm món tráng miệng cho bé, đặc biệt là bữa sáng kết hợp với bánh mì, bánh ngọt, có khô có nước, vừa ngon miệng vừa phong phú dinh dưỡng. Nhưng tuyệt đối mẹ không được cho bé ăn sữa chua cùng với lạp xưởng, thịt hun khói…những loại thịt chế biến sẵn nhiều dầu mỡ. Bởi vì khi chế biến thịt người ta có cho thêm Nitre, cũng chính là Nitric (III) Axit, khi kết hợp với Amine trong sữa chua sẽ tạo thành N-nitrosamine – một trong những chất gây ung thư rất mạnh.

Không nên cho bé ăn sữa chua khi bé đói. Bởi vì khi bụng đói, độ axit trong dạ dày lớn (pH=2), ăn sữa chua vào lactic axit sẽ giết chết hết axit trong dạ dày, tác dụng bảo vệ sức khỏe giảm rõ rệt. Tốt nhất là nên ăn vào 1-2 tiếng sau bữa ăn chính. Bởi vì lúc đó dịch vị được làm loãng, độ axit kiềm trong dạ dày thích hợp nhất cho việc sinh trưởng của lactic axit. Ngoài ra, cho bé ăn sữa chua vào buổi tối cũng tốt.

Cần lưu ý rằng sau khi ăn sữa chua, đặc biệt là buổi tối thì cần phải lập tức đánh răng cho bé ngay, bởi vì một số vi khuẩn trong sữa chua và một số chất có tính axit sẽ làm tổn hại đến men răng.

Khi bé đang phải dùng thuốc kháng sinh thì tốt nhất không nên cho bé dùng sữa chua chung với các loại thuốc. Các chất có trong thuốc kháng sinh, hay các loại thuốc có chứa thành phần amin lưu huỳnh có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.

Theo GDVN

Comments