Những biến chứng của bệnh cường giáp
(Giúp bạn)Bệnh nhân cường giáp có thể bị nhiều biến chứng mà phổ biến và nguy hiểm nhất là các biến chứng về tim mạch.
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, cường giáp là bệnh nội tiết khá phổ biến ở Việt Nam, trong đó Basedow là bệnh cường giáp thường gặp nhất. Bệnh có đặc trưng là gầy sút nhiều, tim đập nhanh, run tay, cổ to và một số bệnh nhân (BN) có mắt lồi.
Tuy có nhiều triệu chứng nhưng do diễn biến tăng dần nên nhiều trường hợp được chẩn đoán muộn. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, BN cường giáp có thể bị nhiều biến chứng mà phổ biến và nguy hiểm nhất là các biến chứng về tim mạch.
Các biến chứng tim mạch của bệnh cường giáp
Các rối loạn nhịp tim:
- Tăng hormon giáp làm nhịp tim nhanh thường xuyên kể cả lúc nghỉ, có thể lên tới 110-120 lần/phút. Nhịp tim nhanh được coi là dấu hiệu trung thành nhất của bệnh cường giáp nhưng trong phần lớn các trường hợp, nhịp tim vẫn đều (gọi là nhịp nhanh xoang).
Có khoảng 10-15% BN cường giáp có biến chứng loạn nhịp, thường gặp nhất là rung nhĩ (tâm nhĩ không đập theo nhịp bình thường nữa mà đập rất nhanh và không đều, từ 300-600 lần/phút). Khi đó các BN thường có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, một số bị đau ngực, thậm chí có BN bị ngất. Nghe tim thấy tâm thất đập không đều nhưng ở tần số rất nhanh, có thể lên tới 170-180 lần/phút.
- Khi bị loạn nhịp, tim bóp lúc mạnh lúc yếu, hậu quả là máu trong buồng tim không được tống hết ra ngoài sẽ dần tạo thành cục máu đông. Cục máu đông này rất dễ bị trôi lên não gây ra tai biến mạch não. Theo nhiều nghiên cứu, các BN bị rung nhĩ kéo dài có nguy cơ bị tai biến mạch não cao gấp 5-7 lần so với người bình thường và cứ 6 BN bị tai biến mạch não thì có 1 BN có nguyên nhân là do loạn nhịp tim.
- Tăng huyết áp: Các BN cường giáp thường có tăng huyết áp, chủ yếu là huyết áp tối đa còn huyết áp tối thiểu vẫn bình thường, khoảng cách huyết áp tăng lên. Tuy mức tăng huyết áp không nhiều và hiếm khi cần phải điều trị nhưng nếu kéo dài thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, góp phần gây suy tim.
- Hội chứng suy tim: Tăng hormon giáp làm tim co bóp mạnh và nhanh, hoạt động này cần các tế bào cơ tim khỏe mạnh và được nuôi dưỡng cung cấp đủ oxy. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc khi dự trữ cơ tim không đảm bảo cho tim đáp ứng được nhu cầu tăng cung lượng tim xảy ra trong cường giáp thì sẽ dẫn đến suy tim, lúc đầu là suy tim trái nhưng về sau thường là suy tim toàn bộ.
Suy tim do cường giáp có đặc điểm khác biệt với phần lớn các trường hợp suy tim khác là lượng máu do tim bơm ra lại cao hơn bình thường (gọi là suy tim tăng cung lượng), tuy nhiên sự khác biệt này chỉ ở giai đoạn đầu, còn nếu kéo dài thì cuối cùng cung lượng tim cũng giảm và biểu hiện lâm sàng của suy tim giai đoạn muộn trong cường giáp không khác với suy tim do các nguyên nhân khác, đó là khó thở, phù, gan to, đái ít, tím môi...
- Hội chứng suy vành: Tim đập nhanh và mạnh kéo dài sẽ làm các tế bào cơ tim phì đại, nhất là thất trái, khi đó nhu cầu oxy của cơ tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên do máu đi vào mạch vành (là các mạch máu nuôi dưỡng cơ tim) trong thời kỳ tâm trương nên khi nhịp tim nhanh do cường giáp sẽ làm rút ngắn thời gian tâm trương, máu vào mạch vành bị giảm đi, hậu quả là BN bị thiếu máu cơ tim.
Biểu hiện của thiếu máu cơ tim là đau ngực sau xương ức từ các mức độ nhẹ đến đau dữ dội, đau cả khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức. Điều đặc biệt là các cơn đau ngực ở BN cường giáp rất hiếm khi chuyển thành nhồi máu cơ tim và khi điều trị khỏi cường giáp thì cũng hết các cơn đau ngực.
Điều trị bệnh cường giáp bằng cách ăn uống
Theo Báo điện tử Nông nghiệp Việt Nam, bệnh cường giáp phần lớn kèm theo to tuyến giáp, một số ít phát bệnh sau một chấn thương tinh thần mạnh, nhất là tuổi trung niên từ 30 - 45 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam, tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 1/4. Bệnh nhân thường tính tình dễ nóng nảy, hồi hộp, ra nhiều mồ hôi, mau đói, người gầy, sút cân, ngón tay run giật, tuyến giáp to, mắt lồi.
Cường giáp là một hội chứng thấy ở nhiều bệnh tuyến giáp hay gặp nhất là trong bệnh Badơđô (Basedow). Ngoài việc điều trị bằng thuốc, người mắc bệnh cường giáp cần hỗ trợ điều trị bằng cách ăn uống (dinh dưỡng) như dưới đây:
- Cường tuyến giáp thuộc chứng tổng hợp trao đổi chất quá cao, tỷ lệ trao đổi chất của người bệnh tăng cao, trao đổi phân giải protein diễn ra mạnh, phải điều trị bằng dinh dưỡng để cung cấp nhiệt năng cao, protein cao, hydrat cacbon cao.
- Kiêng ăn chế phẩm của sữa, kiêng uống nước ngọt có tính kích thích, kiêng uống cà phê, trà và các chất kích thích có chứa nicôtin, hút thuốc.
- Người mắc bệnh cường giáp có thể thường xuyên ăn những thức ăn có tác dụng ức chế tuyến giáp hợp thành như lạc, hạt tía tô. Người nóng có thể ăn những thức ăn có tính mát như dưa hấu, đậu ván, rau cần, kim châm…
Người âm suy có thể ăn những thức ăn có tác dụng dưỡng âm như mộc nhĩ, quả dâu, baba, vịt…Người bị tỳ suy có thể ăn những thức ăn kiện tỳ ngừng tả như củ từ, hạt súng, táo, táo tầu, cải canh…
- Nên ăn nhiều thức ăn có chứa hàm lượng kali cao và cũng nên ăn những thức ăn có chứa nhiều canxi và phốtpho.
- Người bệnh phải kiêng ăn những thức ăn có hàm lượng iốt cao, trong ăn uống phải kiêng ăn thức ăn nóng, khô cay như ớt, gừng sống, thịt dê…
Thực đơn dinh dưỡng cho người cường giáp:
* Đậu tương 250g, hồi hương bát giác mỗi loại 10g, muối, đường vừa đủ. Rửa sạch đậu tương, sau khi ngâm nước cho vào trong nồi đun đến khi cạn nước.
Cho hồi hương và muối, đường vào trong nồi, và cho nước vừa đủ vào, dùng lửa nhỏ hầm khoảng 1 tiếng, đợi sau khi nước cạn khô thì có thể ăn.
Tác dụng: Lợi tiểu tiêu phù, ích khí rộng trung, thích hợp cho những người bị cường tuyến giáp.
* Xuyên bối mẫu, đan sâm mỗi loại 15g, hạt ý dĩ 30g, bí đao 60g, đường đỏ vừa đủ. Xuyên bối mẫu, đan sâm sau khi nấu nước bỏ bã sau đó cho những nguyên liệu khác vào nấu cháo ăn. Ăn nóng mỗi ngày vào buổi sáng sớm khi đói, ăn liền 15 đến 20 ngày.
Tác dụng: Dùng với bệnh nhân như tuyến giáp trạng sưng to, buồn nôn, táo bón…
Thuốc tham khảo: Calcium Stada 500 mg - Loãng xương có nguồn gốc khác nhau (mãn kinh, người lớn tuổi, điều trị bằng Corticosteroid, cắt dạ dày hoặc bất động). |
Thùy Linh
Theo GDVN