Những loại quả ăn xong nên giữ lại vỏ bạn nên biết

11:22 05/01/2016

(Giúp bạn) - Rất nhiều người thường hay gọt vỏ trái cây trước khi ăn. Tuy nhiên, họ không biết rằng, nó có tác dụng chữa bệnh vô cùng hiệu quả đấy nhé!

1. Vỏ táo

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy vỏ táo có tác dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Bởi trong vỏ táo chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có thành phần tương đương thành phần các loại chất có thể chống ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột kết. Hơn nữa, những chất dinh dưỡng này có tác dụng hỗ trợ các tế bào kháng ung thư sản sinh thuận lợi.

Táo giúp làm sạch mảng bám ở gốc răng một cách tự nhiên. Chúng cũng giúp tẩy những đốm vàng trên răng. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo không nên ăn táo và vỏ táo không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh tình trạng ngộ độc do các loại thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… gây ra.

2. Vỏ măng cụt

Theo Health, các nhà khoa học Đài Loan (Trung Quốc) đã phát hiện trong vỏ trái măng cụt chứa nhiều xanthones có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống dị ứng, làm chậm quá trình lão hóa, giảm cholesterol.

Để trị bệnh đau bụng, tiêu chảy, lỵ hãy dùng 10 vỏ măng cụt cho vào nồi đất (không dùng nồi kim loại), đổ nước sạch vào sắc trong 15 phút. Mỗi ngày uống từ 4 đến 5 chén.

3. Vỏ quả kiwi


Vỏ quả kiwi đặc biệt tốt cho sức khỏe, bởi nó rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Các thành phần có trong vỏ quả kiwi có khả năng cải thiện sức khỏe tim mạch và mang lại nhiều lợi ích khác cho cơ thể.

4. Vỏ quả nho


Vỏ quả nho có tác dụng hiệu quả trong việc giảm huyết áp, bảo vệ tim mạch. Vỏ nho, đặc biệt là vỏ nho đỏ giàu polypenol giúp duy trì tình trạng tốt nhất cho hệ thống tim mạch. Các chuyên gia khuyên rằng nên ăn nho cả quả cùng với vỏ và hạt, cơ thể sẽ hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

5. Vỏ quýt phòng viêm gan

Xông mặt với vỏ cam, quýt đun sôi với nước có tác dụng giảm thiểu những cơn đau đầu khó chịu. Ngoài ra, những món ăn khi chế biến có thêm vỏ quýt đề phòng bệnh viêm gan, do thành phần tinh dầu có trong vỏ giúp loại trừ hàm lượng cholesterol LDL gây hại cho cơ thể.

Vỏ quýt có công dụng làm tan đờm và tạo cảm giác ngon miệng. Nấu sôi hỗn hợp vỏ quýt khô nghiền nhuyễn và nước, đậy kín để hãm trong vài phút, sau đó lược lại cho sạch. Uống mỗi lần 1/3 ly nước hãm ấm từ 2 – 3 lần/ngày, vào trước bữa ăn khoảng nửa giờ.

6. Bưởi hạ đường huyết


Khi bị đái tháo đường týp II, vỏ và ruột bưởi giúp hạ đường huyết rất hiệu quả. Có thể ăn nửa trái bưởi/ngày và uống thêm nước hãm từ vỏ bưởi. Nấu sôi hỗn hợp vỏ bưởi tươi cắt nhỏ và nước để hãm trong nửa giờ. Sau đó lược sạch để uống từ 2 - 3 lần/ngày khoảng 15 phút trước bữa ăn (khoảng 2 muỗng canh).

7. Vỏ lê

Vỏ lê có tính hàn vị chua, có tác dụng mát tim phổi, trừ hoả tiêu đờm. Vỏ lê nghiền nát có thể điều trị vết loét sưng và vết thương bên ngoài da. Vỏ lê tươi sắc nước uống nhiều lần có thể thanh độc tiêu viêm.

Những người hút thuốc nhiều, phổi bị tổn thương nên ăn nhiều loại quả này, và nên nhớ rằng ăn cả vỏ. Bởi vỏ lê chứa nhiều chất kháng khuẩn ở phổi, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ hệ tim mạch khỏe mạnh. Ngoài ra, dân gian ta thường nấu vỏ lê với đường đỏ để trị ho, cảm cúm và giải rượu hiệu quả.

8. Vỏ dưa chuột


Vỏ dưa chuột có vị hơi chát, tính bình, giàu dinh dưỡng, có khả năng giải nhiệt cho cơ thể… Ăn dưa chuột cả vỏ sẽ giúp bạn hấp thụ Vitamin C có trong dưa tốt hơn, chất nhựa trong vỏ dưa giúp tăng cường chức năng giải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, trước khi ăn dưa chuột cả vỏ, bạn cần chú ý rửa sạch dưa sau đó ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút để đảm bảo vệ sinh.

9. Vỏ cà chua


Chất lycopene trong cà chua được coi là dưỡng chất thiên nhiên giúp chống oxy hóa hiệu quả, có thể phòng ngừa các chứng bệnh về tim mạch, ung thư. Mà dưỡng chất này có hàm lượng rất lớn trong vỏ cà chua. Do đó, khi ăn sống hoặc nấu cà chua, không nên bỏ vỏ.

Comments